Tối ưu hóa kết nối giữa các tỉnh để hỗ trợ nhau phát huy lợi thế

(BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ - nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì Phiên họp thứ nhất của Hội đồng sáng 12/8, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

1.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Chính phủ

Hình thành các tiểu vùng động lực

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000 km bờ biển (chiếm 60% bờ biển cả nước), có 11/18 khu kinh tế ven biển của cả nước (chiếm 61,1%); là cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế.

Hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ loại hình (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không); nhiều cảng biển lớn; 9 cảng hàng không (5 cảng quốc tế); nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn; tiềm năng lớn về năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời); lợi thế phát triển nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng, mạo hiểm, văn hóa…

Có thể nói, Vùng có rất nhiều lợi thế để đón trước các xu thế phát triển của thời đại như: Chuyển đổi xanh, giảm phát thải dựa trên khai thác tài nguyên gió; phát triển kinh tế dựa vào hệ sinh thái và du lịch; xây dựng kinh tế hướng biển, xã hội hướng biển và thịnh vượng từ kinh tế biển; phát triển kinh tế tri thức dựa trên chất lượng nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết một số nhiệm vụ lớn của Hội đồng bao gồm điều phối các hoạt động trong công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng, bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.

Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước, thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng chiến lược, cấp bách, quan trọng…

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, nếu không có cơ chế phối hợp mà "mạnh ai nấy làm" thì những lợi thế riêng có của từng địa phương sẽ tự triệt tiêu. Bên cạnh đó, với địa hình trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, ông Quảng kiến nghị hình thành các tiểu vùng với những địa phương gần nhau về địa lý, có các lợi thế mang tính hỗ trợ cùng nhau phát triển.

"Riêng Đà Nẵng có thể liên kết phát triển du lịch với Thừa Thiên Huế, Quảng Nam; nông nghiệp, công nghiệp với Quảng Nam" - Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng bày tỏ và cho rằng phải phân định rõ chức năng, định hướng phát triển từng thế mạnh của các địa phương, tiều vùng mới có thể thúc đẩy phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho hay, với điều kiện giao thông đường bộ, đường biển thuận lợi, tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) có động lực phát triển thành trung tâm sản xuất phục vụ nhu cầu cho các đô thị lớn, hình thành hành lang xuất khẩu cho các tỉnh Tây Nguyên.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu khẳng định, quy hoạch vùng có ý nghĩa quan trọng, là thước đo, công cụ điều phối hoạt động đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Hội đồng cần tổ chức xúc tiến đầu tư đối với các dự án động lực của tiểu vùng, của Vùng.

2.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Quy hoạch Vùng phải thể hiện tư duy mới về phát triển đồng bộ các loại hình hạ tầng giao thông, trung tâm năng lượng tái tạo. Ảnh: Chính phủ

Khai thác hiệu quả, sử dụng bền vững nguồn lực của Vùng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương đã thể hiện tư duy, góc nhìn tổng thể, chiến lược đối với sự phát triển của Vùng, quốc gia.

Trao đổi về kế hoạch hành động của Hội đồng, Phó Thủ tướng cho biết, cần thể hiện tư duy phát triển, khai thác hiệu quả, sử dụng bền vững nguồn lực của Vùng, phát huy tiềm năng, không để xảy ra cạnh tranh, triệt tiêu lợi thế của từng địa phương.

Cho ý kiến về định hướng quy hoạch Vùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xác định lợi thế, phát huy thế mạnh các địa phương, xem xét hình thành một số tiểu vùng dựa trên địa lý, tiềm năng, thế mạnh, thuận lợi, thách thức, khả năng tối ưu hoá kết nối giữa các tỉnh để liên thông, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát huy lợi thế, sản phẩm chiến lược, hướng đến mục tiêu phát triển đồng bộ, toàn diện cả Vùng.

Quy hoạch Vùng phải thể hiện tư duy mới về phát triển đồng bộ các loại hình hạ tầng giao thông, trung tâm năng lượng tái tạo để hình thành các khu công nghiệp, đô thị; điều tiết hiệu quả các nguồn lực đầu tư để bảo đảm mục tiêu, chất lượng tăng trưởng của các địa phương và toàn vùng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tích hợp vào quy hoạch Vùng các nội dung về giáo dục, đào tạo nghề, y tế, năng lượng, nghiên cứu và triển khai… theo hướng hình thành các trung tâm cấp vùng, quốc gia; quy hoạch các trung tâm phát triển năng lượng, nuôi trồng thủy sản xa bờ, hậu cần nghề cả, điện gió… tại các tiểu vùng có lợi thế.

"Quy hoạch cần đưa ra danh mục các dự án đầu tư với sự thống nhất của các địa phương, chuẩn bị kỹ để sẵn sàng triển khai khi có nguồn ngân sách" - Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh "Quy hoạch vùng là công cụ điều phối quan trọng, vì vậy, Hội đồng, các địa phương phải tích cực đóng góp trực tiếp, tâm huyết, trí tuệ vào quá trình xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng".

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin Vùng và ứng dụng kết nối để các thành viên Hội đồng, Bộ, ngành, địa phương trao đổi, chia sẻ thông tin thường xuyên, hằng ngày để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính để chuẩn bị cho các dự án ưu tiên, trọng điểm trong quy hoạch, chương trình, kế hoạch hành động của Vùng.

Hội đồng, các địa phương cũng cần chủ động tham gia đóng góp cho nội dung, chính sách mới trong dự thảo các đạo luật có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển, kinh tế - xã hội của Vùng như: Đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đấu thầu…/.

Cùng chuyên mục
Tối ưu hóa kết nối giữa các tỉnh để hỗ trợ nhau phát huy lợi thế