Tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp: Trọng thầy để đề cao giá trị nghề nghiệp

Luôn khẳng định giá trị của một con người, nhất là người lao động bắt nguồn từ việc học, trong đó, người thầy đóng vai trò dẫn lối, khai sáng giúp người học trau dồi, bồi đắp những giá trị cho bản thân, ngành giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã và đang nỗ lực để tạo dựng môi trường GDNN chuyên nghiệp, cảm hứng, đổi mới, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của người thầy, từ đó dành sự trân trọng, tri ân cao quý nhất.

tong-cuc.jpg
Tôn vinh nhà giáo GDNN được tổ chức trong chương trình kỷ niệm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4/10/2022).
Ảnh: Tổng cục GDNN

Những người thầy trăn trở, sáng tạo vì sự phát triển của GDNN

Trong bối cảnh cả nước gồng mình chống lại dịch bệnh, các cá nhân, tổ chức đều cố gắng, nỗ lực hết sức để đóng góp cho công cuộc chống dịch. Ngành GDNN cũng không đứng ngoài cuộc. Thầy Văn Sỹ Nghi - giảng viên Trường Cao đẳng nghề Phú Yên chính là một người nhập cuộc như thế. Trăn trở trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch đến sức khỏe người dân, thậm chí là cướp đi sinh mạng của bao người bệnh, thầy Nghi đã chế tạo thành công máy trợ thở không xâm nhập nhằm hỗ trợ bệnh nhân khó thở do bệnh tật. Cùng với tấm gương thầy Văn Sỹ Nghi, các giảng viên của Trường Cao đẳng nghề Phú Yên đã có nhiều sáng kiến phục vụ công tác phòng, chống dịch như pha chế nước rửa tay khô sát khuẩn, máy sát khuẩn tự động, may khẩu trang kháng khuẩn. Đáng chú ý, hệ thống máy rửa tay tự động do các thầy, cô giáo chế tạo đã được áp dụng ở nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Hệ thống máy này cũng được Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) hỗ trợ đưa sản phẩm ra phục vụ cộng đồng.

duc-truong.jpg
Thầy giáo Nguyễn Đức Trường tại buổi lễ vinh danh. Ảnh: Tổng cục GDNN

Hỏi về ngành GDNN tại Hà Tĩnh, nhiều người biết đến thầy Nguyễn Đức Trường – giảng viên Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh. Hơn 10 năm công tác tại Trường, thầy đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi và phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, thầy có nhiều giải pháp, sáng kiến nâng cao chất lượng giáo dục, kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh - sinh viên. Với những nỗ lực của mình, những năm qua, thầy Nguyễn Đức Trường đã đạt nhiều giải thưởng tại Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc; được nhận các bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Trong hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 diễn ra vừa qua, nhiều thầy cô với nỗ lực, đam mê sáng tạo đã tìm tòi và cho ra đời nhiều mô hình thiết bị có ý nghĩa thiết thực và được ứng dụng vào trong giảng dạy, từ đó giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo GDNN. Điển hình như: Mô hình điều khiển phun xăng điện tử của nhóm giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp; mô hình Thiết bị đào tạo Điều hòa tự động trên ô tô của nhóm giảng viên Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội; mô hình Máy phay Mini của nhóm giảng viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng…

Đây chỉ là một số trong hàng chục nghìn giáo viên GDNN đang miệt mài lao động, cống hiến, sáng tạo để đem lại những giá trị cho GDNN, cho người học, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao cho đất nước. Đã có nhiều tấm gương được ghi nhận, nhưng nhiều thầy cô vẫn cống hiến một cách thầm lặng, bởi theo các thầy cô, không có sự ghi công nào lớn hơn việc được chứng kiến những thế hệ sinh viên ngày càng trưởng thành và bước vào thị trường lao động với đầy đủ sự tự tin, kỹ năng nghề nghiệp cao, thái độ chuyên nghiệp để thích ứng, làm chủ công việc.

Khơi dậy đam mê, khát vọng cống hiến trong nhà giáo

Những người thầy tốt luôn cần có môi trường tốt và những cảm hứng, động lực để thôi thúc đổi mới, sáng tạo. Đây cũng chính là những vấn đề được Bộ LĐ-TB&XH, trực tiếp là Tổng cục GDNN nhìn nhận suốt nhiều năm nay, để từ đó không ngừng xây dựng môi trường, chính sách, cơ chế phù hợp dành cho nhà giáo GDNN, cũng như có những hình thức động viên, khuyến khích sáng tạo, đổi mới đối với nhà giáo.

botruongdungctnhatban.jpg
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Tin tưởng các thầy, cô giáo tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, chủ động, sáng tạo đổi mới trong giảng dạy, giữ ngọn lửa nhiệt tình đam mê nghề nghiệp để xứng đáng với niềm tin yêu, sự trân trọng của toàn xã hội". Ảnh: Bộ LĐ-TB&XH

Sự kiện tôn vinh nhà giáo GDNN được tổ chức trong chương trình kỷ niệm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam hằng năm (04/10) chính là biểu hiện rõ nhất của sự lắng nghe, thấu hiểu và có những hành động ý nghĩa, kịp thời của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN đối với các nhà giáo. 

Tại chương trình tôn vinh năm 2022 diễn ra vừa qua, Bộ đã tôn vinh 54 nhà giáo GDNN tiêu biểu từ 63 tỉnh, thành phố, đại diện cho hơn 83.000 nhà giáo đang giảng dạy trong hơn 1.900 cơ sở GDNN trong cả nước.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ, nhiều nhà giáo được tôn vinh có tuổi đời còn trẻ và có những nhà giáo gắn bó gần 40 năm với nghề; nhiều nhà giáo ở các địa bàn khó khăn, xa xôi, giảng dạy những ngành nghề nặng nhọc, độc hại; nhiều người vừa là thầy, nhưng cũng là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc... Tất cả đều có nhiều thành tích đóng góp trong lĩnh vực GDNN và trong việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề cho thị trường lao động, được nhiều cấp, ngành ghi nhận, đánh giá cao.

        Năm học vừa qua, các thầy, cô giáo đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức, chủ động đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy và học; gắn nhà trường với doanh nghiệp, gắn tuyển sinh với nhu cầu thị trường lao động, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Mới đây, trong Thư gửi các thầy - cô giáo, các cơ sở GDNN nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã khẳng định những nỗ lực to lớn của nhà giáo GDNN.Nhân ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10, Bộ tổ chức nhiều hình thức tôn vinh nhà giáo GDNN tiêu biểu và tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc trong cả nước, qua đó khích lệ và thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt tại các cơ sở GDNN” – Bộ trưởng cho biết.

hocnghetruongdienlanh02.jpg
Các nhà giáo GDNN đang miệt mài lao động, sáng tạo để cống hiến cho sự nghiệp phát triển GDNN.
Ảnh tưu tầm của Tổng cục GDNN

Trong thư, Bộ trưởng cũng đề cập, nhiệm vụ năm học 2022-2023 rất nặng nề, đây là năm tăng tốc của toàn hệ thống GDNN nhằm triển khai Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có việc áp dụng chuyển đổi số. “Do vậy các cơ sở GDNN cần triển khai mạnh mẽ, sâu rộng các hoạt động trên môi trường số, đổi mới quản lý hoạt động dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá; phát triển mạnh quy mô, số lượng và chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế” – Bộ trưởng nhắn nhủ và chú ý đến vai trò nòng cốt của đội ngũ nhà giáo GDNN. 

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho GDNN nói chung, nhà giáo GDNN nói riêng đã được khẳng định xuyên suốt qua nhiều thời kỳ và được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Đây là niềm vinh dự dành cho đội ngũ cán bộ, giảng viên GDNN, đồng thời cũng đặt ra cho mỗi giảng viên tinh thần trách nhiệm và yêu cầu cần phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để cùng với toàn ngành thực hiện tốt những yêu cầu phát triển GDNN trong thời kỳ mới. “Niềm tự hào luôn đi liền với trách nhiệm, nhưng trên hết, lòng tự trọng nghề nghiệp và khát vọng cống hiến sẽ là nguồn động lực thôi thúc các thầy, cô tiếp tục lan tỏa giá trị nghề nghiệp đến với nhiều thế hệ người học” – TS. Trương Anh Dũng tin tưởng; đồng thời khẳng định Tổng cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, tạo dựng môi trường làm việc, cống hiến thuận lợi hơn nữa cho các nhà giáo trong thời gian tới. 

Cùng chuyên mục
  • Việt Nam - Hoa Kỳ nối lại Đối thoại lao động
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Việc nối lại Đối thoại lao động định kỳ Việt Nam - Hoa Kỳ giúp hai bên chia sẻ thông tin về tình hình lao động, các hoạt động hợp tác và cùng nhau đề xuất các giải pháp thúc đẩy lao động - việc làm, an sinh xã hội.
  • Việt Nam nhận nhiều giải thưởng du lịch quốc tế năm 2022
    một năm trước Xã hội
    Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Việt Nam vừa được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” năm 2022 do tổ chức World Travel Awards (WTA) thực hiện. Đây là lần thứ 3 Việt Nam được nhận giải thưởng này, 2 lần trước vào năm 2019 và 2020.
  • Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2022
    một năm trước Xã hội
    Tối 15/11, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu chủ trì, phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức đã chính thức khai mạc tại Rạp Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội.
  • Ireland hỗ trợ phụ nữ miền núi Việt Nam phát triển sinh kế
    một năm trước Xã hội
    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, Hoạt động thí điểm “Phát triển sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu cho phụ nữ nông thôn khu vực miền núi phía Bắc, Việt Nam” do Chính phủ Ireland hỗ trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) với tổng kinh phí là 100.000 Euro, dự kiến được thực hiện trong năm 2022 - 2023.
  • Việt Nam và Hoa Kỳ khởi động dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường 11,3 triệu USD
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức Lễ khởi động Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm”.
Tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp: Trọng thầy để đề cao giá trị nghề nghiệp