Ireland hỗ trợ phụ nữ miền núi Việt Nam phát triển sinh kế

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, Hoạt động thí điểm “Phát triển sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu cho phụ nữ nông thôn khu vực miền núi phía Bắc, Việt Nam” do Chính phủ Ireland hỗ trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) với tổng kinh phí là 100.000 Euro, dự kiến được thực hiện trong năm 2022 - 2023.

Hoạt động được thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận với các sinh kế nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu cho phụ nữ khu vực miền núi phía Bắc, góp phần giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng thông qua tạo cơ hội và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào các chuỗi giá trị nông nghiệp và thị trường.

Dự kiến, kết quả của hoạt động thí điểm với các bài học kinh nghiệm sẽ được tổng hợp và tài liệu hóa để chia sẻ, nhân rộng thành một chương trình triển khai thực hiện tại các tỉnh khác thuộc khu vực miền núi phía Bắc đang phải đối mặt với các thách thức như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình và Yên Bái, từ đó đóng góp cho các chương trình, chiến lược quốc gia của Việt Nam.

Trước đó, chiều ngày 12/11, Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức FAO tại Việt Nam khởi động Hoạt động thí điểm “Phát triển sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu cho phụ nữ nông thôn khu vực miền núi phía Bắc, Việt Nam”.

Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) Đỗ Hoàng Anh Tuấn, việc khởi động hoạt động thí điểm phát triển sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu cho phụ nữ nông thôn khu vực miền núi phía Bắc tuy nhỏ bé nhưng mang lại một ý nghĩa vô cùng sâu sắc và có tác dụng hỗ trợ thiết thực cho đối tượng phụ nữ tại đây. Việt Nam hiện chưa có chính sách riêng cho phụ nữ khi tham gia hoạt động kinh tế. Tuy vậy, Chính phủ đã bước đầu xây dựng cơ chế liên quan hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, cũng như lồng ghép nhiều chính sách khác nhau trong việc hỗ trợ phụ nữ.

dsc_0067.jpg
Tăng cường thúc đẩy vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong các hoạt động sản xuất. Ảnh: N.LỘC

Nhấn mạnh tính cấp thiết của việc cần có thêm những chương trình hỗ trợ dành cho phụ nữ, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam, TS. Rémi Nono Womdim nhấn mạnh, phụ nữ là xương sống của hệ thống lương thực. Phụ nữ đóng góp 45% lực lượng lao động nông nghiệp toàn cầu, con số này thậm chí lên tới 60% tại một số nước khu vực châu Phi và châu Á. Song họ lại không có các cơ hội như đối với nam giới trong ngành nông nghiệp, dẫn tới những tác động bất lợi lên cuộc sống.

Tại Việt Nam, tổng số lao động nữ trong nông nghiệp chiếm 47,4%, riêng các hợp tác xã hiện chiếm 80% là nữ, con số này cho thấy phụ nữ đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong nông nghiệp.

Cùng chuyên mục
Ireland hỗ trợ phụ nữ miền núi Việt Nam phát triển sinh kế