Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Tiếp thu nghiêm túc các ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật KTNN 2015

(BKTO) - Tiếp tục thực hiện chuỗi hội thảo lấy ý kiến phục vụviệc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015, sáng nay (23/4), tại TP. HCM, KTNN tổ chức Hội thảo “Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015”. Hội thảo diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên vàPhó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh.



Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu, trong đó có: PGS, TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; PGS,TS. Trần Hoàng Ngân -Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM, đại biểu Quốc hội, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; TS. Trần Đăng Vinh – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính và Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ.

Về phía các cơ quan của địa phương, cóđại diện lãnh đạo HĐND, UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố: TP. HCM, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bình Phước, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu; Tiền Giang; Tây Ninh; đại diện lãnh đạoSở Tài chính, Ban Tài chính – Ngân sách, Ban Pháp chế một số địa phương; đại diện các trường đại học trên địa bàn và một số cơ quan báo chí.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớcphát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thùy Anh
Về phía KTNN có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớcđề nghị, Hội thảo tập trung thảo luận7 nội dung, đó là: đốitượng kiểm toán của KTNN;vấn đề trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động KTNN;cần quy định cụ thể hơn nhiệm vụ trình ý kiến để Quốc hội quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách T.Ư, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia;quy định chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, giám định tư phápvà xử lý tố cáo đối với hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN…

PGS, TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã trình bày tham luận về phạm vi, đối tượng kiểm toán của KTNN. Theo ông Thanh, Luật KTNN sửa đổi cần làm rõ khái niệm tài chính công và tài sản công, về đối tượng kiểm toán nói chung và đối tượng kiểm toán thuế nói riêng…

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thùy Anh

Theo ThS. Cao Thanh Bình – Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM: Luật KTNN chưa quy định cụ thể mối quan hệ giữa KTNN với HĐND, UBND các cấp và một số cơ quan liên quan dù các cơ quan này đã ký Quy chế phối hợp công tác. Theo ông Bình, cần sửa đổi Điều 55, Luật KTNN hiện hành theo hướng xác lập nguyên tắc: Ở đâu có quản lý, sử dụng vốn của nhà nước, ở đó cần có sự kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản, vốn của nhà nước. Theo đó, Luật nên quy định vốn nhà nước đầu tư vào DN cả mức tỷ lệ tương đối, ví dụ khoảng từ 30% vốn trở lên hoặc quy định cả số tuyệt đối như 100 tỷ đồng trở lên nhằm tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát của Nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán…

Ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp ủng hộ việc bổ sung vào Luật nhiệm vụ trình ý kiến của KTNN kiểm toán trước khi phân bổ NSNN và quyết định đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia.Luật cần quy định rõ chế tài đối với người đứng đầu đơn vị không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đồng thời phải đẩy mạnh việc kiểm tra thực hiện đồng thờinêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của KTNN trong nhiệm vụ phòng chống tham nhũng...

Trong khi đó, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị, qua quá trình giám sátmột số Quỹ tài chính ngoài ngân sáchcho thấy, các Quỹ này quản lý số tiền lớn nhưngkhông có điều lệ hoạt động, trong khi đó biên chế lên đến hàng trăm người.Vì vậy cơ quan kiểm toán cần kiểm toán các Quỹ này.

PGS,TS. Trần Hoàng Ngân – Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, đại biểu Quốc hội, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò của báo cáo kiểm toán đối với các đại biểu Quốc hội. Ông cho biết sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng khác để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN. Ông Ngân lưu ý, KTNN cần bổ sung các đối tượng gián tiếp sử dụng tài sản công, đặc biệt là các đối tượng sử dụng đất đai…vào đối tượng kiểm toán.

Dưới góc nhìn chuyên môn, ông Lê Tấn Tới – Giám đốc Công an tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu và ông Huỳnh Thanh Bình – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai cùng đồng tình đề xuất đưa vào Luật nhiệm vụ giám định tư pháp của KTNN bởi theo hiện nay lực lượng giám định tư pháp của cả nước còn mỏng, trong khi đội ngũ kiểm toán viên của KTNN có trình độ chuyên môn tốt.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cảm ơn và đánh giá cao chất lượng của các bài tham luận cũng như các ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo. Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Ban Tổ chức Hội thảo ghi nhận và tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các vị đại biểu để sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015.

Để tiếp tục lấy ý kiến góp ý về sửa đối, bổ sung Luật, trong tháng 5 tới, KTNN sẽ tiếp tục tổ chức 2 hội thảo về nội dung này tại Hà Nộivà Đà Nẵng. Dự kiến, KTNN sẽ trình Dự thảo Luật này tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2019.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Tiếp thu nghiêm túc các ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật KTNN 2015