Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021

(BKTO) - Sáng nay 24/5, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021. Đây là tổng hợp kết quả chính từ 360 báo cáo kiểm toán của 190 nhiệm vụ kiểm toán tổ chức trong năm 2022 đối với niên độ ngân sách năm 2021.

v.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh sưu tầm

Niên độ ngân sách năm 2021, Kiểm toán nhà nước thực hiện 190 nhiệm vụ kiểm toán bao gồm: Kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN và Báo cáo nợ công năm 2021 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; 18 nhiệm vụ kiểm toán tại 24 Bộ, cơ quan trung ương; 51 nhiệm vụ kiểm toán tại 60 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 11 chủ đề kiểm toán hoạt động; 30 chuyên đề; 37 nhiệm vụ kiểm toán dự án đầu tư; 17 nhiệm vụ kiểm toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tài chính ngân hàng và 24 nhiệm vụ kiểm toán lĩnh vực khác.

Qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 34.595 tỷ đồng; kiến nghị khác 37.010 tỷ đồng; chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. 

Kiểm toán nhà nước cũng đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 270 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

Về tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán, đến ngày 31/12/2022, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN 22.492,1 tỷ đồng, đạt 88,57%; kiến nghị xử lý khác được thực hiện 33.284,7 tỷ đồng, đạt 80,08%.

Ngoài ra, đến ngày 31/12/2022, các đơn vị được kiểm toán thực hiện thêm 18.248,3 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 6.957,21 tỷ đồng) kiến nghị từ niên độ năm 2019 trở về trước, bằng 21,4% tổng số kiến nghị chưa thực hiện tính đến ngày 31/12/2021.

Về sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, có 50/198 văn bản đã được Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản.

Về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, có 57/95 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 22/5, chia làm hai đợt họp với tổng thời gian làm việc 22 ngày. Đợt một 17 ngày (từ ngày 22/5-10/6); đợt hai 5 ngày (từ ngày 19/6-23/6). Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.

Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục cập nhật sớm nhất các thông tin liên quan như: Quyết toán NSNN năm 2021, về thực hiện cải cách tiền lương, về kiểm toán doanh nghiệp, về kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020...

                    

Cùng chuyên mục
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021