Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục suy giảm

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) 4 tháng đầu năm ước đạt 28,81 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu 13,15 tỷ USD, giảm 6,3%; xuất siêu 2,51 tỷ USD, giảm 37,7%.

xknlts.jpg
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn trong 4 tháng đầu năm 2023. Ảnh sưu tầm

Kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2023 ước đạt 4,54 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ; trong đó, nhóm nông sản đạt 2,33 tỷ USD, tăng 24%; chăn nuôi đạt 41 triệu USD, tăng 46,7%; thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 28,6%; lâm sản đạt 1,2 tỷ USD, giảm 29,8%; đầu vào sản xuất đạt 169 triệu USD, giảm 21,3% và muối đạt 0,4 triệu USD, giảm 2,8%.

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu NLTS lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,9%, tăng 3,3% so với cùng kỳ; Hoa Kỳ chiếm 18,9%, giảm 40,5% và Nhật Bản chiếm 8,1%, tăng 0,8%.

Bộ NN-PTNT nhận định: Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS giảm và thị trường xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine; lạm phát cao tại một số nước trên thế giới, trong đó có những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...), làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu (sức mua, cầu giảm).

Thêm vào đó, do sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường; ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới năm 2023...

Nhận định thời gian tới tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, vì vậy Bộ NN-PTNT khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung vào tiêu chí giá sản phẩm phải tốt; sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu; sản phẩm phải đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt.

Song song với đó là tái cấu trúc, tổ chức lại sản xuất của doanh nghiệp, trong đó chú trọng đổi mới công nghệ, hoàn thiện hệ thống quản trị sản xuất, nâng cao tính hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thủ tục hành chính để tạo cơ hội, nâng cao khả năng xuất khẩu hàng hóa../. 

Cùng chuyên mục
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục suy giảm