TP.HCM: Ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025

(BKTO) - UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 1567/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025.



                
   

Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đặt mục tiêu sẽ phát triển 150 hợp tác xã (Ảnh minh họa) - Nguồn: tphcm.dangcongsan.vn

   

Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kêt, hợp tác. Qua đó, không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Về các mục tiêu cụ thể, dự kiến trong giai đoạn 2021-2025, Thành phố sẽ phát triển 150 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã. Tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực KTTT đạt 7%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP Thành phố là 0,5%.

Đồng thời, thu hút thêm 15.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác xã; tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo có trình độ đại học, cao đẳng đạt trên 60%, còn lại đạt trình độ trung, sơ cấp.

Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Để thực hiện những mục tiêu đó, TP.HCM đề ra một số giải pháp chủ yếu. Trước hết là hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách.

Theo đó, các sở, ngành chức năng tiếp tục thực hiện đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn được quy định trong Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn liên quan theo lĩnh vực, ngành.

Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã có quy mô lớn, doanh thu lớn, sử dụng nhiều lao động..., nhằm phát huy tối đa mọi tiềm lực và năng lực của hợp tác xã, tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển ổn định và bền vững.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu tiên hợp tác xã nông nghiệp được vay vốn và được hưởng hỗ trợ lãi suất tín dụng.

Thứ ba, triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các đối tượng là các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.

Cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách, TP.HCM cũng sẽ chú trọng đến nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hợp tác xã, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trong phát triển hợp tác xã.

Đặc biệt, Thành phố sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, hợp tác xã. Theo đó, một số vấn đề trọng tâm bao gồm: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả hoạt động; chú trọng hỗ trợ vốn, tín dụng; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ ứng dụng, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ cho khu vực KTTT, hợp tác xã…

Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ huy động tối đa nguồn lực xã hội để phát triển KTTT, hợp tác xã. Đồng thời, triển khai xây dựng mô hình hợp tác xã hiệu quả, từ đó tiến hành đánh giá và nhân rộng các mô hình hợp tác xã hiệu quả trên địa bàn./.

THIỆN TRẦN
Cùng chuyên mục
TP.HCM: Ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025