Triển lãm VSIF 2023 tạo cơ hội kết nối, hợp tác doanh nghiệp

(BKTO) - Theo kế hoạch, Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSIF 2023) do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức được diễn ra từ ngày 07-09/12 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh.

vietnam-hardware-hand-tools-expo-1.jpg
Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSIF 2023) tạo cơ hội kết nối, hợp tác doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Thông qua “Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSIF 2023)”, các doanh nghiệp (DN) sản xuất nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 thuộc các nhóm sản phẩm ngành cơ khí, cao su - nhựa sẽ có nhiều cơ hội kết nối, hợp tác với DN các nước trong khu vực ASEAN, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã có nhiều chính sách quan tâm, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nhằm đưa các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hưởng ứng chính sách này, ngoài việc tự phát triển các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của mình, Samsung Việt Nam đã và đang nỗ lực đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam để phát triển ngành CNHT nói chung. Samsung đã hỗ trợ gần 400 công ty ở Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo các DN CNHT, hiện nay, xu hướng đơn hàng từ các DN FDI đã khác trước. Nhiều đơn đặt hàng đối với các trang thiết bị liên quan đến lĩnh vực y tế, trí tuệ nhân tạo, robot…

Hiện nay, cả nước có khoảng 5.000 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chủ yếu cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện cho các DN sản xuất sản phẩm đầu cuối trong các ngành ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày. Trong đó, gần 90% là DN nhỏ và vừa. Điều này đòi hỏi DN Việt phải nhanh chóng thay đổi chiến lược sản xuất sản phẩm, có giải pháp đối mặt với nhiều khó khăn khác như chưa đáp ứng yêu cầu của khách hàng, thiếu cơ hội tiếp cận khách hàng do không tiếp cận được thông tin thị trường.

Theo các chuyên gia, phần lớn DN CNHT có quy mô nhỏ nên nếu tổ chức được mô hình liên kết nhóm để cùng đặt đơn hàng nhập khẩu nguồn vật liệu, có các chương trình mua chung, bán chung thì DN có thể tiếp cận được nguồn nguyên vật liệu với giá tốt hơn.

Đã có một số DN trong nước tiếp cận được các chuỗi cung ứng toàn cầu. Gần đây nhất, chương trình kết nối DN nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối đã thu hút hơn 300 DN tham gia; hơn 400 nhóm hàng linh kiện, thiết bị đã được trưng bày tại chương trình để tìm kiếm khách hàng. Kết quả khá khả quan khi nhiều DN lần lượt tiếp cận được đơn hàng mới.

TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức đoàn 30 DN CNHT tham gia Triển lãm kết nối giao thương tại Nhật Bản. Qua đó, các DN đã có cơ hội để tiếp cận nhiều đơn đặt hàng mới đến từ thị trường này./.

Cùng chuyên mục
Triển lãm VSIF 2023 tạo cơ hội kết nối, hợp tác doanh nghiệp