Năm “được mùa”của các ngân hàng
Kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo thống kê (NHNN) cho thấy, trong năm 2018, ngành ngân hàng đạt được kết quả tích cực. Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với năm trước nhưng theo kết quả điều tra, có đến 86% TCTD đánh giá tình hình kinh doanh cải thiện hơn, nhu cầu của khách hàng về sử dụng sản phẩm dịch vụ gia tăng, rủi ro hệ thống khách hàng tổng thể có xu hướng ổn định, thanh khoản và mặt bằng lãi suất ổn định, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở mức thấp…
Những con số ấn tượng về kết quả kinh doanh năm 2018 của nhiều ngân hàng đã minh chững rõ hơn cho nhận định trên. Điển hình như Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ghi nhận nhiều kỷ lục với lợi nhuận trước thuế đạt 18.016 tỷ đồng, tăng 63,5% so với năm 2017, mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, đạt 120,9% kế hoạch. Năm 2018 cũng là năm đầu tiên Vietcombank đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 1% (0,97%), mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Hay như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) khép lại năm 2018 với tổng tài sản đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng; dư nợ đạt 1 triệu tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 7.525 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) có mức lợi nhuận trước thuế đạt trên 7.000 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước và nhiều chỉ tiêu kinh doanh khác cũng hoàn thành, trong đó, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 1,21%.
Trong năm 2018, Việt Nam có 3 ngân hàng được công nhận đáp ứng Chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II gồm: Vietcombank, Ngân hàng TMCP quốc tế Việt Nam (VIB) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Con số này còn khiêm tốn so với mục tiêu và yêu cầu về áp dụng Basel II mà NHNN đặt ra cho các ngân hàng, song cũng cho thấy một tín hiệu đáng mừng khi bản thân các ngân hàng đã chủ động và quyết tâm tiệm cận với các thông lệ quốc tế.
Năm 2018 cũng là năm đánh dấu một bước trưởng thành của hệ thống ngân hàng Việt Nam với Chiến lược Phát triển ngân hàng trong kỷ nguyên số, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ, nghiên cứu áp dụng những thành tựu công nghệ mới như: điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo...; có những cải tiến, ứng dụng để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thực hiện chiến lược tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Kỳ vọng kinh doanh cải thiện hơn trong năm 2019
Những kết quả nổi bật trong năm 2018 là cơ sở để các TCTD lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2019. Theo đánh giá của các TCTD trong năm 2018 và dự kiến cho năm 2019, môi trường kinh doanh của các TCTD đã và đang tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, trong đó, 2 nhân tố chủ quan “Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của các TCTD” cùng với “Khả năng sáng tạo, cải tiến sản phẩm của TCTD” và 2 nhân tố khách quan “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của TCTD” và “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được nhận định sẽ cải thiện.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có sự gia tăng nhanh trong năm 2018 và được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay, trong đó, nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cao nhất. Dự báo, năm 2019, 77,6% TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng tăng so với năm 2018, trong đó, nhu cầu vay vốn được đa số các TCTD kỳ vọng tăng mạnh, tiếp đến là nhu cầu gửi tiền, dịch vụ thanh toán với mức kỳ vọng lần lượt là 66% và 64%.
Trên cơ sở các yếu tố khách quan và chủ quan, dự báo, năm 2019, khoảng 88% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó, có khoảng 35% TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện nhiều”.
Đa số các TCTD cũng kỳ vọng năm 2019, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục diễn biến khả quan đối với cả VND và ngoại tệ; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng có xu hướng giảm; mặt bằng lãi suất tiền gửi - cho vay được kỳ vọng tiếp tục duy trì xu hướng ổn định.
Dự báo về khả năng huy động vốn trong năm nay, các TCTD kỳ vọng huy động vốn tăng trưởng bình quân 13,9%; dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng bình quân 15,27%.
Như vậy, với những diễn biến tích cực từ thị trường tiền tệ trong năm 2018, các TCTD kỳ vọng ngành ngân hàng tiếp tục cải thiện trong năm 2019, các chính sách điều hành của NHNN Việt Nam và Chính phủ tiếp tục góp phần kiểm soát lạm phát và đảm bảo nhu cầu vốn cho nền kinh tế, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 03 ra ngày 17-01-2019