Chấn chỉnh sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước
Ngay từ khi mới thành lập, KTNN đã xác định kiểm toán lĩnh vực DNNN có vai trò quan trọng, là công cụ trọng yếu, hữu hiệu trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, góp phần tháo gỡ các nút thắt về thể chế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định sứ mệnh “vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững”.
Tổng hợp kết quả kiểm toán giai đoạn 2013-2022 cho thấy, KTNN đã thực hiện 392 cuộc kiểm toán DNNN, trong đó có 260 cuộc kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC), các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty; 20 cuộc kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa đối với công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty; 36 cuộc kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của công ty mẹ - tổng công ty; 76 cuộc kiểm toán chuyên đề về đầu tư, giá điện, quỹ bình ổn giá…
Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, các DN trong nước cũng gặp không ít thách thức và phải tìm kiếm nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Do đó, khi thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên vừa phải thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán, vừa phải đưa ra các khuyến nghị, tư vấn hỗ trợ DN, bao gồm cả về thể chế, quản lý, điều hành.
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Trần Văn Hảo
Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 69.359 tỷ đồng, trong đó: Kiến nghị tăng thu 47.133 tỷ đồng; giảm chi 1.959 tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước (NSNN) 5.386 tỷ đồng; tăng giá trị DN, tăng vốn nhà nước 8.929 tỷ đồng; khiến nghị khác 5.951 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN kiến nghị cơ quan có thẩm quyền và các DNNN xử lý, chấn chỉnh những hạn chế, sai phạm trong công tác quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước, như: Sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ NSNN, chưa tuân thủ đầy đủ quy định của DN và Nhà nước trong quản lý tài chính công, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư tài chính, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN…
Các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN đã được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, điều này cho thấy bản thân các DNNN đã rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, củng cố và hoàn thiện công tác quản lý của mình để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Bên cạnh việc triển khai thường xuyên kiểm toán BCTC, các hoạt động liên quan đến quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các DNNN, KTNN đã chủ động đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động và thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành. Một số chuyên đề kiểm toán nổi bật: Việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu; Việc góp quyền thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất được Nhà nước cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và Tổng công ty Lương thực miền Nam; Việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2017 tại 63 tỉnh, thành phố; Việc xác định và công khai giá bán điện giai đoạn 2014-2016; Kiểm toán tư vấn định giá DN của các ngân hàng mua bắt buộc”…
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Trần Văn Hảo đánh giá, thời gian qua, kết quả kiểm toán của KTNN đã chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, cũng như trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Từ đó, kiến nghị, đề xuất các giải pháp giúp DN mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý việc sử dụng tài chính, tài sản.
Bịt các lỗ hổng về cơ chế, chính sách và tháo gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp
Kết quả kiểm toán DNNN trong những năm qua không chỉ thể hiện qua các con số tăng thu, giảm chi, quan trọng hơn là KTNN đã phát hiện và kiến nghị để bịt nhiều lỗ hổng về cơ chế, chính sách, cũng như góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, những bất cập trong quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến các hoạt động của DNNN.
“Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm tháo gỡ những khó khăn, bịt lỗ hổng trong quản lý kinh tế; đồng thời mở đường cho hoạt động của DN, giúp các DN hoạt động trong môi trường lành mạnh hơn. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước hay chủ sở hữu cấp trên cũng phải đồng hành, tháo gỡ những khó khăn cho các DN bằng thể chế” - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Trần Văn Hảo chia sẻ.
Theo KTNN chuyên ngành VI, tính riêng giai đoạn 2013-2022, KTNN đã có 621 kiến nghị với Bộ, ngành, địa phương về công tác quản lý và 145 kiến nghị về sửa đổi, bổ sung văn bản để hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về DNNN. KTNN đã có nhiều kiến nghị sửa đổi văn bản quản lý để các đơn vị được kiểm toán kịp thời chấn chỉnh nhằm nâng cao công tác quản lý, quản trị hiệu quả nguồn lực nhà nước tại DN. Để nâng cao hiệu lực và tính thượng tôn pháp luật, KTNN cũng đã kiến nghị xem xét kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, tập thể cá nhân có liên quan đến những sai sót, tồn tại do việc chấp hành pháp luật chưa đúng, chưa nghiêm. Đặc biệt, KTNN đã chuyển 3 bộ hồ sơ sang Cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ một số sai phạm của các tập đoàn, DN lớn.
Ngoài ra, hằng năm, KTNN cũng đã cung cấp nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan đến các cuộc kiểm toán lĩnh vực DNNN cho Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền; tham gia ý kiến để xử lý một số sai phạm trong đầu tư dự án lớn, góp phần quản lý tài chính, tài sản chặt chẽ, hiệu quả. Năm 2021, KTNN đã tham gia ý kiến về Phương án xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thanh toán khoản ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết bảo lãnh của Chính phủ đối với Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; tham mưu, giúp lãnh đạo KTNN có ý kiến tham gia với Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành về việc xử lý 12 dự án yếu kém của ngành công thương, các đề án, phương án sắp xếp, tái cơ cấu, xử lý tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…
Năm 2023, KTNN cũng đã thực hiện kiểm toán việc xử lý bù giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, phát hành Báo cáo kiểm toán đúng thời hạn để phục vụ cho công tác giám sát của Quốc hội. KTNN cũng đồng hành cùng Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Báo cáo chuyên đề về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN…
Để phù hợp với lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, KTNN đã chuyển đổi phương thức kiểm toán và đối tượng kiểm toán. Theo đó, KTNN đã thực hiện kiểm toán đối với các DN do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Đặc biệt, KTNN đã ứng dỤng công nghệ thông tin để thực hiện thí điểm kiểm toán từ xa đối với cuộc kiểm toán BCTC, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (năm 2021). Trên cơ sở đó, KTNN rút kinh nghiệm, đề xuất và kiến nghị giải pháp thực hiện phù hợp đối với đơn vị khác trong tương lai, tạo tiền đề để chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán./.