Trọng trách phục hồi và tăng trưởng kinh tế nửa cuối nhiệm kỳ!

(BKTO) - Theo dự báo, tình hình thế giới, trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để góp phần thực hiện thắng lợi, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, cần tập trung phát triển kinh tế toàn diện, trong đó, ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp (DN).

3-.jpg
Cần tập trung phát triển kinh tế toàn diện, trong đó ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho DN. Ảnh sưu tầm

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù gặp nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19 kéo dài nhưng với ý chí, quyết tâm cao, Trung ương (T.Ư) Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước ta vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được nhiều kết quả khá toàn diện.

Tuy nhiên, T.Ư Đảng nhận định, dự báo tình hình thế giới, trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trên thế giới, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt.

Ở trong nước, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu DN diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro; thanh khoản của một số ngân hàng thương mại yếu kém và DN, dự án lớn sẽ gặp nhiều khó khăn; lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, sức ép lạm phát còn lớn.

Hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm; số DN rút lui khỏi thị trường tăng; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, đăng ký bổ sung hoặc góp vốn, mua cổ phần giảm; tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước có dấu hiệu suy giảm; nợ xấu ngân hàng, nợ thuế nhà nước có xu hướng tăng…

Để hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 như đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ, tăng trưởng bình quân 3 năm 2023-2025 phải đạt khoảng 7,3%. Đây là mức rất cao, đòi hỏi chúng ta phải có sự quyết tâm rất cao và nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, thời gian tới, cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hóa, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu DN.

Đồng thời, tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trao đổi với báo chí, bà Bùi Thị Thảo Hiền (giảng viên Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, các nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là rất đúng đắn, sát thực tế trong giai đoạn đầy biến động và căng thẳng trên thế giới. Nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII sẽ có nhiều thách thức và cơ hội mà Đảng, Nhà nước cần chú trọng.

Theo đó, các vấn đề về thu hút đầu tư FDI, vấn đề về thuế tối thiểu toàn cầu hiện nay được DN nước ngoài quan tâm. Đối với DN trong nước, việc tiếp cận nguồn vốn cho vay và lãi suất cho vay cần xem xét thật kỹ lưỡng. Với thị trường trái phiếu DN, cần có sự giám sát rất chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời xử lý, ngăn chặn triệt để vi phạm của tổ chức dịch vụ tài chính, tín dụng, bởi đây là kênh huy động vốn cho DN trong trung và dài hạn, tận dụng được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân.

Trong khi đó, PGS,TS. Nguyễn Văn Trình - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, khó khăn lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đang bị trì trệ do ảnh hưởng từ thị trường thế giới và nội tại nền kinh tế. Việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là điểm mấu chốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đang thực hiện song song nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi như: Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và đẩy mạnh đầu tư công.

Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách cần nhanh chóng hơn mới trợ lực kịp thời cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Về đầu tư công, dù Chính phủ, các Bộ, ngành và nhiều địa phương liên tục bàn, đốc thúc đầu tư và giải ngân, nhưng thực tế, việc triển khai còn rất chậm.

Nguyên nhân do Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, chính sách sử dụng tài chính nhà nước… còn chồng chéo, chưa rõ ràng. Điều này khiến một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm nên không dám đẩy mạnh triển khai. Do đó, cần sửa đổi quy định liên quan cho đồng bộ để cán bộ phụ trách mạnh dạn thực hiện, không sợ sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ.

Song song với đó, để hỗ trợ DN, PGS,TS. Nguyễn Văn Trình cho rằng, chính sách tài khóa có vai trò rất quan trọng cho quá trình hồi phục của DN. Việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% cần được triển khai trên tất cả các hàng hóa dịch vụ, thay vì chỉ tập trung một số hàng hóa như trước; đồng thời sử dụng nguồn dự phòng để tiếp tục giảm mạnh các loại thuế phí hỗ trợ DN... Có như vậy, nền kinh tế mới có thể sớm hồi phục và tăng trưởng bền vững hơn trong thời gian tới, đúng với tinh thần Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XIII!./.

Cùng chuyên mục
  • Thiếu niên, nhi đồng Việt Nam với muôn vàn tình thân yêu của Bác Hồ
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chủ tịch Hồ Chí Minh dành muôn vàn tình yêu thương cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Bác cũng luôn quan tâm đến phong trào thi đua yêu nước của các cháu và yêu cầu Đảng cùng cả cộng đồng phải thường xuyên chăm sóc giáo dục các cháu.
  • Ưu tiên nguồn lực tương xứng cho cải cách tiền lương
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Mức lương trung bình của một công chức là trên dưới 10 triệu đồng. Trong khi đó, quy đổi ra tiền Việt Nam thì một công chức của Thái Lan thu nhập là 56,7 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng và Campuchia là 17 triệu đồng - đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP.Hà Nội) dẫn chứng khi đề cập đến chính sách tiền lương của cán bộ, công chức.
  • Điều trị hiệu quả bệnh “sợ trách nhiệm”
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tình trạng một bộ phận cán bộ còn né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, thậm chí không muốn làm vì không có lợi ích riêng gây ách tắc công việc, cản trở sự phát triển là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập ngay đầu phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN), sáng 31/5.
  • Tạo hành lang pháp lý đồng bộ trong lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội tại phiên họp chiều 30/5, với nhiều điểm mới.
  • Tiếp tục thực hiện đầy đủ chính sách cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 30/5, tại Hà Nội, nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, tặng quà thầy cô giáo và các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
Trọng trách phục hồi và tăng trưởng kinh tế nửa cuối nhiệm kỳ!