Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì tổ chức nhằm kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 78 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung, của các dân tộc thiểu số nói riêng, là di sản quý báu. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước.
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2023 được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định: Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, truyền thống đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, các giai tầng trong xã hội… ngày càng được củng cố, tăng cường và phát huy.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tầng lớp nhân dân ở trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài cùng nhau tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để 54 dân tộc anh em chung sống hòa thuận, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam và Ngày hội trình diễn cây nêu, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam có sự tham gia của hơn 200 đồng bào của 15 dân tộc.
Bên cạnh chương trình nghệ thuật khai mạc đặc sắc, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2023 còn có triển lãm ảnh Sắc màu các dân tộc Việt Nam. Triển lãm trưng bày 160 tác phẩm nhiếp ảnh về 54 dân tộc Việt Nam thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 của Bộ VHTTDL.
Ngày hội trình diễn cây nêu, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc lần thứ II diễn ra đến ngày 26/11 với nhiều hoạt động đến từ các nghệ nhân của nhiều đồng bào như Liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa, truyền thống dân tộc tại địa phương gắn với cây nêu...
Trong tuần lễ, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ trình diễn các nghi lễ đặc biệt, trong đó có lễ Cấp sắc (lẩu pụt), hát Sli của đồng bào dân tộc Nùng ở Bắc Kạn. Đồng bào dân tộc Mường đến từ Thanh Hóa tái hiện Lễ hội Pôồn Pôông (lễ hội thưởng hoa), giới thiệu về trang phục Mường và một số nét văn hóa diễn xướng, ẩm thực, trò chơi dân gian đặc trưng.