Lãnh đạo KTNN chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể công chức, người lao động KTNN khu vực VI
- Với sứ mệnh giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của một số tỉnh phía Bắc, KTNN khu vực VI đã được thành lập ngày 26/10/2007, đặt trụ sở tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Những năm đầu thành lập, Tổng Kiểm toán Nhà nước giao cho KTNN khu vực VI nhiệm vụ kiểm toán tại 7 tỉnh/thành, đến nay đơn vị thực hiện kiểm toán tại 5 tỉnh/thành, gồm Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương và TP. Hải Phòng.
Nhìn lại quá trình từ khi thành lập đến nay, có thể thấy rõ sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, từng bước khắc phục khó khăn để vươn lên của KTNN khu vực VI. Từ chỗ thiếu thốn cả về nhân lực, cơ sở vật chất, đến nay, cơ cấu tổ chức của đơn vị đã được hoàn thiện với 6 phòng trực thuộc và 77 công chức, người lao động. Đáng chú ý, đội ngũ công chức của đơn vị sau 10 năm rèn luyện đã có trình độ, năng lực chuyên môn ngày càng cao. Qua chỉ đạo hoạt động của KTNN khu vực VI, tôi thấy đơn vị luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, chất lượng kiểm toán ngày càng tốt hơn, tạo uy tín với các địa phương và đơn vị được kiểm toán, đóng góp tích cực vào thành tích chung của toàn Ngành.
Song song với sự phát triển của tổ chức bộ máy, các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Chi hội Cựu chiến binh của KTNN khu vực VI cũng dần được thành lập, từng bước phát triển, hoạt động nề nếp, phát huy hiệu quả, đồng bộ của hệ thống chính trị cơ sở.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của đơn vị cũng được Ngành quan tâm đầu tư, sau nhiều năm phải đi thuê trụ sở làm việc, đến cuối năm 2014, KTNN khu vực VI đã có trụ sở mới. Phương tiện làm việc cho công chức, Kiểm toán viên cũng dần được trang bị khá đầy đủ. Đến nay, có thể đánh giá, KTNN khu vực VI đã trưởng thành về mọi mặt.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn những năm qua của KTNN khu vực VI?
- Trước hết, cần phải nhấn mạnh, KTNN khu vực VI thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN. Đây là cơ sở quan trọng để KTNN khu vực VI phát huy thế mạnh, đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. 10 năm qua, đơn vị đã thực hiện và hoàn thành 65 cuộc kiểm toán trong các lĩnh vực kiểm toán ngân sách địa phương, dự án đầu tư, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán Báo cáo tài chính của DN, kiểm toán hoạt động.
Điểm đáng ghi nhận là từ chỗ chỉ thực hiện 4-5 cuộc kiểm toán/năm giai đoạn 2008-2012, đơn vị đã từng bước nâng quy mô bình quân lên 8-9 cuộc kiểm toán/năm trong giai đoạn 2012-2017. Đặc biệt, những năm gần đây, được sự tin tưởng của các địa phương, KTNN khu vực VI đã thực hiện 10 cuộc kiểm toán dự án đầu tư là các công trình trọng điểm trên địa bàn theo đề nghị của địa phương, trong đó có 2 dự án BOT với quy mô đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng…
Với KTNN khu vực VI, cũng như với nhiều đơn vị khác trong Ngành, lãnh đạo KTNN luôn định hướng nâng cao chất lượng kiểm toán phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tôi nhận thấy, trong suốt thời gian qua, song song với việc mở rộng quy mô kiểm toán, KTNN khu vực VI đã chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán.
Tôi đánh giá cao các hoạt động của đơn vị như: đã có đột phá, cải tiến trong cách tiếp cận và phương pháp kiểm toán như tăng cường sử dụng chuyên gia, kiểm định chất lượng, củng cố bằng chứng kiểm toán để gia tăng giá trị kiểm toán; chú trọng chất lượng của Hội đồng thẩm định cấp vụ đối với kế hoạch và báo cáo kiểm toán trước khi trình lãnh đạo KTNN; thường xuyên đúc rút kinh nghiệm sau mỗi cuộc kiểm toán, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế để cùng tìm giải pháp khắc phục; chú trọng xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm cụ thể hoá các chỉ đạo của lãnh đạo KTNN; quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán tổng quát của từng cuộc kiểm toán; tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán ở tất cả các cấp; phối hợp chặt chẽ với các địa phương.
Đến thời điểm này, kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của KTNN khu vực VI đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo KTNN. Qua 10 năm, KTNN khu vực VI đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 8.300 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán không chỉ dừng lại ở con số tăng thu, tiết kiệm chi cho NSNN, mà còn giúp các đơn vị được kiểm toán hoàn thiện, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình thông qua các kiến nghị khắc phục những tồn tại, yếu kém, bất cập trong quản lý điều hành ngân sách, quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản; kiến nghị hoàn thiện hệ thống kiếm soát nội bộ; kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ một số văn bản chưa phù hợp.
Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước có thể chỉ rõ một số vấn đề mà đơn vị cần phải lưu ý hơn nữa trong thời gian tới?
- Tuy đã đạt được nhiều thành tựu căn bản nhưng qua quá trình 10 năm hoạt động, KTNN khu vực VI vẫn còn một số hạn chế. Mặc dù quy mô, tần suất kiểm toán ngày càng tăng lên, chất lượng kiểm toán có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu; chưa đi sâu kiểm toán tại cơ quan Hải quan; tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa cao; việc thực hiện kiểm toán một số chuyên đề, nội dung kiểm toán mới chất lượng còn khiêm tốn; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán của đơn vị chưa nhiều, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán, khai thác hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc tabmis, khai thác dữ liệu, phân tích thông tin tại các cơ quan quản lý tổng hợp trong xây dựng kế hoạch, lựa chọn đầu mối và nội dung kiểm toán.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước có định hướng gì để giúp KTNN khu vực VI tiếp tục phát huy thế mạnh, dần khắc phục những hạn chế để trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020?
- Để trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN khu vực VI cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng đội ngũ công chức, Kiểm toán viên đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, Kiểm toán viên; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Hai là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của hoạt động kiểm toán gắn với cải cách hành chính, tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán, thực hiện tốt việc lập kế hoạch và triển khai kiểm toán theo phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; tập trung kiểm toán các lĩnh vực được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, dư luận xã hội quan tâm và mục tiêu, định hướng kiểm toán hằng năm của Ngành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; cải tiến phương thức tổ chức các cuộc kiểm toán.
Ba là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, đặc biệt trong hoạt động kiểm toán; phân định rõ trách nhiệm của từng công chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao; tăng cường kiểm soát hoạt động kiểm toán.
Bốn là, tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, giữ vững nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động; xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.
Năm là, tiếp tục xây dựng, củng cố mối quan hệ với các đơn vị trong Ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn phụ trách.
Sáu là, tiếp tục đổi mới hoạt động của các tổ chức đoàn thể theo hướng gắn với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, chức năng của mỗi tổ chức; phát huy sức mạnh đoàn kết thống nhất; triển khai các phong trào thi đua thiết thực.
Nhân dịp 10 năm thành lập KTNN khu vực VI, thay mặt Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN, tôi chúc các công chức, Kiểm toán viên và người lao động của đơn vị ngày càng đạt thành tích cao trong thực hiện nhiệm vụ, đóng góp nhiều hơn nữa vào thành tích chung của toàn Ngành! Chúc toàn thể các đồng chí và gia đình sức khỏe và hạnh phúc!
Thành tích thi đua khen thưởng của KTNN khu vực VI - Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2012)- Thủ tướng Chính phủ 2 lần tặng Bằng khen (năm 2011, 2017) - Tổng Kiểm toán Nhà nước tặng Cờ Thi đua (năm 2010) và 5 Bằng khen - 1 tập thể cấp Phòng được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ - 6 tập thể cấp Phòng được Tổng Kiểm toán Nhà nước tặng Bằng khen. - 3 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba; 2 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen - Nhiều lượt công chức, Kiểm toán viên được tặng Bằng khen, Giấy khen; danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp ngành, cấp cơ sở. |
HỒNG THOAN (thực hiện)
Theo Tuần Báo ra ngày 12-10-2017