Tương lai giàu tiềm năng tăng trưởng của ngành bán lẻ

(BKTO) - Với tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh mẽ nhất khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng phi thường trong lĩnh vực bán lẻ. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới do cơ cấu dân số tương đối trẻ và hành vi chi tiêu cao của người tiêu dùng. Qua phân tích một số yếu tố cụ thể, Deloitte Việt Nam muốn chỉ ra những động lực tăng trưởng của lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.



Thị trường tiềm năng nhờ dân số tương đối trẻ

Cuộc khảo sát ngành bán lẻ mới nhất của Deloitte Việt Nam được thực hiện trên gần 700 hộ gia đình ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM vào cuối năm 2018 đã cho thấy một số kết quả đáng lưu ý.

Thứ nhất, mặc dù có tiềm năng phát triển lớn nhưng mức độ cạnh tranh trong ngành bán lẻ Việt Nam rất khốc liệt. Trên hầu hết các hình thức bán lẻ đều chứng kiến cuộc cạnh tranh giành thị phần. Diễn biến tương tự trên thị trường mua sắm trực tuyến, các DN đang cố gắng xây dựng, phát triển quy mô trong bối cảnh ngày càng có nhiều đối thủ mới.

Thứ hai, bất chấp sự gia tăng của các kênh kinh doanh kỹ thuật số, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn tiếp tục thống lĩnh thị trường. Điều này cho DN thấy tầm quan trọng của việc phát triển các chiến lược bán hàng đa kênh và tập trung đáp ứng nhu cầu khách hàng thông qua tích hợp trải nghiệm tiêu dùng trực tuyến và ngoại tuyến.

Thứ ba, trong bối cảnh mới của ngành bán lẻ kỹ thuật số, các DN bán lẻ cần giải quyết một số trở ngại trong thanh toán và bảo mật dữ liệu, sáng tạo ra những hình thức trải nghiệm khác biệt, bởi thương mại điện tử và các kênh bán lẻ kỹ thuật số tại Việt Nam đang là một trong những xu hướng hàng đầu. Dự kiến, đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.

Từ năm 2013-2018, ngành bán lẻ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hằng năm đạt 10,97%. Tổng doanh thu bán lẻ dự kiến đạt 180 tỷ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng 26,6% kể từ năm 2018. Với dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, thị trường bán lẻ Việt Nam được kỳ vọng bứt phá hơn nữa trong tương lai gần.

Với việc sở hữu dân số tương đối trẻ, 40% dân số dưới 24 tuổi, những người tiêu dùng trẻ đang thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam khi họ dành nhiều thời gian mua sắm trên các thiết bị điện tử hơn so với việc mua sắm tại các cửa hàng truyền thống. Xếp thứ 6 trên toàn cầu về doanh thu năm 2018, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã sẵn sàng để chứng kiến sự tăng trưởng hơn nữa. Tuy nhiên, doanh số bán hàng trực tuyến từ DN đến khách hàng vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn, chỉ 3,6% trên tổng doanh số bán lẻ. Nhưng con số này được dự kiến sẽ tăng vọt lên 5% vào năm 2020, với tổng giá trị 10 tỷ USD. Cùng với đó, mô hình bán hàng từ người tiêu dùng đến người tiêu dùng hoặc các kênh thương mại xã hội cũng đang ngày càng trở nên phổ biến.

Thương mại điện tử là xu thế hàng đầu

Năm 2018, chi tiêu cho thương mại điện tử trung bình hằng năm của một người Việt Nam là 350 USD, trong khi năm 2017 chỉ là 186 USD. Ngoài ra, tỷ lệ chuyển đổi trực tuyến (tỷ lệ truy cập vào các trang web trực tuyến được chuyển đổi thành doanh số) đang ở mức cao. Theo một khảo sát, Việt Nam công bố tỷ lệ chuyển đổi trực tuyến đạt 30%, cao nhất trong số 6 thị trường Đông Nam Á và cao hơn mức trung bình của khu vực.

Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam đang dần quen với các giải pháp thanh toán trực tuyến. Hiện tại, 50% tổng chi phí thương mại điện tử được xử lý thông qua thanh toán thẻ và dự kiến các phương thức không dùng tiền mặt mới sẽ còn gia tăng. Các ước tính cho thấy, thanh toán bằng ví điện tử sẽ chiếm 28% tổng doanh số thương mại điện tử tại Việt Nam vào năm 2019.

Thế nhưng, thực tế cũng cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục bị chi phối bởi các kênh thương mại truyền thống, đặc biệt là ở khu vực nông thôn với tỷ lệ thương mại truyền thống chiếm lĩnh 90% thị phần. Ngay cả ở khu vực thành thị, nơi có các kênh bán hàng hiện đại, thương mại truyền thống vẫn chiếm tới 50% thị phần.

Hiện tại, Việt Nam có gần 200 trung tâm thương mại của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các cửa hàng tiện lợi đang trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ và trực tiếp của nhiều kênh thương mại truyền thống. Số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2012 và các siêu thị nhỏ chiếm số lượng nhiều nhất trong số các cửa hàng mới mở trong 9 tháng năm 2018. Tuy nhiên, số các cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam vẫn ở mức thấp, trong khi các cửa hàng tiện lợi thường chiếm khoảng 20% thị trường ở các nền kinh tế khác thì con số này ở Việt Nam chưa đến 10%. Mật độ cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam cũng khá thấp, với khoảng 54.400 người dân Việt Nam mới có một cửa hàng tiện ích, trong khi đó tỷ lệ này ở Hàn Quốc là 2.100 người và Trung Quốc là 24.900 người.

Với sự phát triển của thương mại điện tử, các DN bán lẻ đang khám phá nhiều cách thức khác nhau để tận dụng làn sóng tăng trưởng này. Tuy nhiên, các DN cần đặt mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững; tích hợp các kênh truyền thống và công nghệ kỹ thuật số để mang lại trải nghiệm toàn diện và xuyên suốt cho người tiêu dùng; khai thác hệ sinh thái thanh toán điện tử để tận dụng tốt nhất các hiệu ứng mạng và giải pháp thanh toán thông minh, đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu… Để đáp ứng sở thích và hành vi của người tiêu, DN cần phải đổi mới và phản ứng nhanh theo bối cảnh mới của ngành bán lẻ kỹ thuật số tại Việt Nam.

PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Tương lai giàu tiềm năng tăng trưởng của ngành bán lẻ