Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Đà Nẵng có xu hướng giảm dần qua các năm

(BKTO) - Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn, bao gồm căng thẳng thương mại, xung đột địa chính trị và lạm phát, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

anh-minh-hoa.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn sưu tầm

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, năm 2023, mặc dù hoạt động xuất khẩu của Đà Nẵng các tháng cuối năm phục hồi tốt nhưng giá trị nhập khẩu chung cả năm 2023 vẫn sụt giảm so với năm 2022.

Tổng kim ngạch XNK hàng hóa của Đà Nẵng ước đạt hơn 3 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,86 tỷ USD, giảm 11,6%; nhập khẩu ước hơn 1,15 tỷ USD, giảm 22,7%.

Theo Sở Kế hoạch đầu tư Đà Nẵng, bình quân giai đoạn 2021-2023, tổng kim ngạch XNK hàng hóa hai chiều của TP. Đà Nẵng tăng 2,4%/năm; trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 5,9%/năm; kim ngạch nhập khẩu giảm 2,5%/năm. Tăng trưởng bình quân giá trị xuất khẩu giai đoạn 2021-2023 luôn cao hơn giá trị nhập khẩu.

Theo ghi nhận, tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Đà Nẵng có xu hướng giảm dần qua các năm: Năm 2021, tỷ trọng là 42,6% đến năm 2023 giảm còn 38,2%. Ở chiều ngược lại, hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ trọng năm 2021 là 57,4%, đến năm 2023 là 61,8%.

Về triển vọng của hoạt động XNK trong năm 2024, theo Cục Thống kê Đà Nẵng, nhìn chung, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng, sản xuất cầm chừng theo các đơn hàng truyền thống; một số doanh nghiệp cố gắng tìm kiếm các đơn hàng mới với khối lượng nhỏ, có tính chất tạm thời.

Để tháo gỡ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp nhằm khơi thông các nguồn lực, UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo Cục Hải quan Thành phố thúc đẩy quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, đơn vị cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung mọi nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ chính và định hướng một số hoạt động để công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp ngày càng đi vào hiệu quả và thực chất; đồng thời tập trung mở rộng đối với hoạt động phát triển quan hệ đối tác giữa hải quan - doanh nghiệp và các bên liên quan.

TP. Đà Nẵng chủ trương khuyến khích nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trên cơ sở khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do với các nước có nền công nghiệp phát triển; hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước đã sản xuất được. Các doanh nghiệp cũng chủ động giảm nhập khẩu tư liệu sản xuất do xuất khẩu khó khăn và tồn kho nguyên vật liệu ở mức cao./.

Cùng chuyên mục
Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Đà Nẵng có xu hướng giảm dần qua các năm