Cân nhắc tính hiệu quả khi lựa chọn chủ đề kiểm toán môi trường

NGUYỄN LY - XUÂN HỒNG | 01/12/2022 12:23

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra những bất cập về cơ chế chính sách; nguồn tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững, một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt; ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, có nơi nghiêm trọng; việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng…

dsc_1363.jpg
Quang cảnh Hội thảo “Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường,
ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của KTNN”. Ảnh: Nguyễn Ly

Tại Hội thảo “Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của KTNN” do KTNN tổ chức sáng 01/12, các bài tham luận cũng như các ý kiến phát biểu, thảo luận đã đã đề cập tương đối toàn diện từ góc độ lý luận cũng như nêu rõ thực trạng công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.

Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu gắn với vai trò của KTNN. 

Đặc biệt, nhấn mạnh về vai trò của KTNN đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, các ý kiến đều cho rằng, những năm gần đây, KTNN đã đẩy mạnh kiểm toán công tác công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu thông qua việc lựa chọn các chủ đề kiểm toán được dư luận xã hội và truyền thông quan tâm.

Đại diện đến từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Kết quả kiểm toán đã giúp cho chúng tôi đúc rút được nhiều bài học, từ đó tham mưu cho Sở làm tốt hơn công tác quản lý về lĩnh vực này trong thời gian tới". 

Để phát huy hơn nữa vai trò của KTNN đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, theo các đại biểu, KTNN cần lưu ý khi lựa chọn các chủ đề kiểm toán.

Theo đó, KTNN cần cân nhắc tính hiệu quả khi lựa các chọn chủ đề và tổ chức triển khai các cuộc kiểm toán ở các địa phương; lưu ý kiểm toán những vấn đề liên quan đến quy hoạch khoáng sản bởi thực tế hiện nay, công tác quy hoạch vẫn còn chưa thống nhất, chưa đảm bảo tính tuân thủ.

Đồng thời, KTNN cũng cần hướng tới những nội dung kiểm toán mới như kiểm toán đa dạng sinh học, kiểm toán carbon...

Đặc biệt, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, UBND các tỉnh đều nhấn mạnh việc hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; tạo điều kiện để KTNN tham gia kiểm toán toàn bộ quá trình tổ chức triển khai thực hiện các dự án liên quan đến môi trường tại địa phương. 

dsc_1382.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đánh giá cao các bài tham luận, các ý kiến đóng góp chất lượng tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Ly

Môi trường là lĩnh vực có phạm vi rất rộng và mang tính chất chuyên môn kỹ thuật rất cao. Vì vậy, để nâng cao chất lượng kiểm toán lĩnh vực này, các đại biểu cho rằng, KTNN cần tăng cường kiểm toán hoạt động để xác định tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; chú trọng kiểm toán đầu ra thay vì kiểm toán đầu vào; học hỏi kinh nghiệm quốc tế.

KTNN cũng cần chú trọng đào tạo, phát triển đội ngũ kiểm toán viên nhà nước gắn với lĩnh vực chuyên sâu về kiểm toán môi trường; sử dụng chuyên gia trong quá trình thực hiện kiểm toán để đánh giá sự phù hợp về kỹ thuật, công nghệ, giá cả nhanh và chuẩn xác...

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đánh giá cao các bài tham luận, các ý kiến đóng góp chất lượng trong phần thảo luận của các đại biểu. Việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thời gian qua, những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân.

Vì vậy, theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ là tiền đề và gợi ý quan trọng để KTNN nghiên cứu lựa chọn chủ đề kiểm toán cũng như đổi mới về phương thức kiểm toán, đáp ứng tốt hơn với những kỳ vọng, niềm tin và sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân./.

Cùng chuyên mục
Cân nhắc tính hiệu quả khi lựa chọn chủ đề kiểm toán môi trường