Ưu tiên thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam

(BKTO) - Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cần ưu tiên thực hiện sắp xếp cơ cấu tổ chức, cổ phần hóa, thoái vốn, đổi mới quản trị doanh nghiệp… để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) Hồ Sỹ Hùng khi chủ trì buổi làm việc với EVN về rà soát Đề án cơ cấu EVN giai đoạn đến hết năm 2025 vừa diễn ra tại Hà Nội.

evn.jpg
Cần ưu tiên thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: CT

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2021-2025 được xây dựng dựa trên Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”.

Mục tiêu đề ra là phát triển EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi, bảo toàn vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác; đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Để hoàn thiện Đề án, EVN đã bám sát các nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp với các Bộ, ngành, cho ý kiến vào Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2021-2025 vào tháng 05/2023.

Đặc biệt, ông Nguyễn Xuân Nam nhấn mạnh, EVN đã chú trọng xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cân bằng tài chính giai đoạn 2021-2025 gồm: Hoàn thiện quản trị tài chính; tối ưu hóa chi phí, tăng doanh thu trong sản xuất và cung ứng điện; sửa đổi, bổ sung các loại định mức chi phí để tiết kiệm chi phí sản xuất trong từng khâu sản xuất, kinh doanh; giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật có tác động tới chi phí giá thành trong sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối điện.

Ngoài ra, để đảm bảo các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý vận hành an toàn, ổn định, hạn chế tối đa sự cố, đặc biệt là các tổ máy nhiệt điện than miền Bắc trong cao điểm mùa khô năm 2024, EVN và các đơn vị thành viên đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn diện, tổng thể các tổ máy.

Đồng thời, EVN thực hiện duy tu, bảo dưỡng định kỳ theo đúng kế hoạch; kịp thời sửa chữa, thay thế các thiết bị, bảo đảm độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy, đồng thời lên các kịch bản ứng phó, không để xảy ra tình trạng thiếu điện.

Phó Chủ tịch UBQLV Hồ Sỹ Hùng cho biết, UBQLV và các đơn vị liên quan đồng tình với các giải pháp trong Đề án tái cơ cấu EVN đã nêu, như về kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; nghiên cứu, thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng của Tập đoàn.

Tuy nhiên, EVN cần ưu tiên thực hiện sắp xếp cơ cấu tổ chức, cổ phần hóa, thoái vốn, đổi mới quản trị doanh nghiệp, tính toán kỹ cơ cấu về quản trị doanh nghiệp, đánh giá kỹ, sát thực tế, cân nhắc các yếu tố tác động, bảo đảm Đề án hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tế - ông Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh yêu cầu với EVN.

Cùng chuyên mục
Ưu tiên thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam