Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh. Ảnh: PHÙNG NGUYÊN
…So với nhiều Bộ, ngành khác, KTNN mới thành lập được hơn 20 năm, nhưng tôi chứng kiến sự trưởng thành và phát triển bền vững, uy tín ngày càng lớn hơn của KTNN trong đời sống xã hội. Đó là điểm rất đáng ghi nhận. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, tôi cũng như tất cả các đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước tại diễn đàn. Sự kiện lần đầu tiên Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo tại kỳ họp Quốc hội đã để lại một tiếng vang lớn.
Thời gian tới, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ đồng hành và phối hợp với KTNN trong rất nhiều công việc. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đang đề xuất với Bộ Chính trị xây dựng một Nghị quyết về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng cũng như năng suất lao động và khả năng cạnh tranh trong tình hình mới.
Tại đây, tôi muốn nêu ra một số vấn đề, rất mong được sự phối hợp của KTNN. Thứ nhất, đề nghị KTNN phối hợp với chúng tôi trong thẩm tra Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ. Như đã biết, trong 6 tháng đầu năm nay nước ta có một số thuận lợi nhưng cũng vô cùng khó khăn. Một điểm nhấn trong Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp vừa rồi là lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng để tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% chắc chắn chỉ còn cách là tăng trưởng tín dụng cao. Mà tăng trưởng tín dụng cao lập tức sẽ gây áp lực lên lạm phát. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm đã là 2,32%, mà cả năm không được vượt quá 5%. Đây là điều rất đáng lo ngại. Trong kỳ tới, khi thẩm định báo cáo này, chúng tôi rất mong có sự phối hợp của KTNN.
Thứ hai là phối hợp trong xem xét, đánh giá về vấn đề nợ xấu. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu đến tháng 12/2015 là 2,86%. Nhưng thực chất, toàn bộ những khoản nợ các ngân hàng khi xử lý với khách hàng không được đã chuyển cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là 240 nghìn tỷ đồng. Số tiền này, VAMC mới xử lý được 31 nghìn tỷ đồng. Cho nên nợ xấu hiện nay không còn là vấn đề của các ngân hàng nữa mà của cả nền kinh tế. Nếu nền kinh tế còn nợ xấu thế này thì không thể phát triển được. Bởi DN đã có nợ xấu thì không thể vay được ngân hàng. Trong điều kiện chúng ta phải tăng trưởng cao thì nợ xấu dứt khoát phải được cải thiện. Tôi muốn đề xuất KTNN phối hợp với Ủy ban Kinh tế, cùng với NHNN, làm rõ “bức tranh” nợ xấu của các ngân hàng hiện nay như thế nào.
Thứ ba là phối hợp trong xem xét, đánh giá về vấn đề nợ công. Hiện nay, theo Báo cáo của Chính phủ, nợ công là 62,3%, trong khi đó trần mà Quốc hội cho phép là 65%. Tỷ lệ đó so với GDP không đáng quan ngại nhưng cái đáng quan ngại của chúng ta là hiệu quả đầu tư vốn nhà nước trong thời gian qua. Chỉ số quan trọng nhất để đánh giá điều này là chỉ số Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR). Chỉ số ICOR của chúng ta hiện nay là 6,9, tức là phải bỏ ra 6,9 đồng mới có một đồng tăng trưởng. Cùng với Trung Quốc, chỉ số ICOR của Việt Nam là xấu nhất trong khu vực (chỉ số ICOR của Philippines hiện nay là 4,1; Indonesia là 4,3). Chính vì vậy, rất cần có vai trò của KTNN trong việc đánh giá hiệu quả đầu tư công.
Thứ tư là phối hợp trong xem xét, đánh giá về vấn đề cải cách thể chế. Khi gia nhập WTO, FTA, TTP…, chúng ta phải ban hành rất nhiều các luật, văn bản quy định để phù hợp với hội nhập. Thế nhưng, bối cảnh của chúng ta có thể nói là không thuận lợi. Năm 2008-2009, khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu diễn ra, hầu hết các quốc gia đều chú ý đến việc thắt chặt, nâng cao vai trò quản lý nhà nước. Điều này khiến các DN nước ta bị “bó”, không thể cạnh tranh được với các DN nước ngoài. Tháng 4 vừa qua, khi làm việc với các DN, Thủ tướng Chính phủ có đưa ra một lộ trình yêu cầu ban hành một luật để sửa nhiều luật. Điều này rất khó khăn, vì sửa một luật thì hệ thống văn bản dưới luật phải thay đổi theo. Tuy nhiên, việc cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện môi trường đầu tư thuận lợi cho DN là vô cùng cần thiết. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn có sự hỗ trợ của KTNN trong việc thẩm định, cũng như đánh giá tiến độ cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới.
Thứ năm là phối hợp trong xem xét, đánh giá về vấn đề cải cách DNNN. Tiến độ cổ phần hóa hiện đang quá chậm. Thời gian tới, Chính phủ giao trách nhiệm cho từng cá nhân thực hiện việc này. Tuy nhiên, không phải chỉ cổ phần hóa xong là xong mà còn phải chú ý đến việc quản lý, quy trình đổi mới thế nào để cho các DN đó phát triển. Chúng tôi rất mong có sự phối hợp chặt chẽ của KTNN.
Một vấn đề khác là hiện nay KTNN đang áp dụng kiểm toán hoạt động. Trong điều kiện đất nước hội nhập, thay đổi về chất trong quá trình phát triển thì đây là việc rất cần thiết, nhưng cũng rất khó khăn. Chúng ta phải ban hành các quy định pháp luật để thực hiện, phải xây dựng quy trình và phải đào tạo đội ngũ cán bộ. Trong điều kiện hiện nay, rất mong KTNN đổi mới nhanh và áp dụng được kiểm toán hoạt động trong quá trình kiểm toán, nhất định hoạt động kiểm toán sẽ hiệu quả hơn.
Liên quan đến việc KTNN đã có kế hoạch kiểm toán một đơn vị nào đó rồi mà các đơn vị thanh tra, kiểm tra khác muốn vào trước, tôi nghĩ đấy cũng là điều đáng mừng. Bởi điều đó chứng tỏ chất lượng đội ngũ cán bộ của KTNN đã được nâng cao, các đồng chí làm “chặt” nên người ta muốn thanh tra trong ngành hay thanh tra của địa phương vào trước. Nhưng nếu cứ làm thế này sẽ không còn hiệu quả của KTNN nữa vì kế hoạch kiểm toán đã được Quốc hội thông qua, không thể thay đổi được. Tôi nghĩ phải thay đổi theo hướng khi KTNN đã có kế hoạch kiểm toán thì phải được ưu tiên trước nhất.
THANH TÙNG (ghi)