Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(BKTO) - Chiều 21/12, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong 5 nội dung sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra vào đầu tháng 01/2023.

b79d56a27fd8a786fec9.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức hiệu quả, thống nhất

Báo cáo về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu được xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch. Nội dung quy hoạch xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.

Về những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ 5 quan điểm phát triển, 5 quan điểm tổ chức không gian phát triển. Trong đó nhấn mạnh, không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

4 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch được xác định là: Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Nhiệm vụ tiếp theo là phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia; lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Cùng với đó, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng; phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Quy hoạch tổng thể quốc gia đề ra các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8-8,5%/năm; vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

 Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%...

Quy hoạch phải thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia được nghiên cứu, xây dựng rất công phu, nghiêm túc với nhiều thông tin chi tiết, cụ thể và cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục tài liệu theo quy định tại Điều 35 của Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên, cần phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện để bảo đảm sự thống nhất về nội dung và số liệu đưa ra giữa tờ trình, dự thảo nghị quyết, báo cáo tóm tắt, báo cáo tổng hợp, hệ thống bản đồ, sơ đồ và các tài liệu kèm theo.

Về nội dung chủ yếu của quy hoạch tổng thể quốc gia, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần phân tích, đánh giá sâu hơn về các yếu tố thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện địa hình, tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, dân số, tài nguyên nhân văn và các yếu tố khác như: khoa học công nghệ, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lực cạnh tranh, thể chế quốc gia và văn hóa truyền thống dân tộc, dân số và xu hướng dịch chuyển dân cư…

Đồng thời, cần đưa ra nhận định các điều kiện, yếu tố này tác động như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội quốc gia trong thời gian tới; bảo đảm tính xuyên suốt, thống nhất các nội dung phân tích, đánh giá từ hiện trạng, kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra với đề xuất các giải pháp tương ứng...

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị xem xét, bổ sung đánh giá hạn chế về tính thiếu hiệu quả của một số cơ chế điều phối vùng hiện nay; bổ sung các nội dung định hướng về liên kết vùng trong quy hoạch; làm rõ tổ chức, cơ quan, cá nhân người đứng đầu chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành thực hiện các quy hoạch vùng kinh tế, vùng động lực, hành lang kinh tế, trục kinh tế… để phát triển đồng bộ, hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau…

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý, Quy hoạch chưa có đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển lĩnh vực tài chính ngân hàng, thị trường tài chính, thị trường tiền tệ. Đây là các lĩnh vực kinh tế quan trọng của quốc gia, đề nghị bổ sung đánh giá và định hướng phát triển các lĩnh vực trên trong báo cáo quy hoạch. Trong đó, phát triển thị trường tài chính phải gắn với các trung tâm tài chính lớn đã được quy hoạch.

Tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế; đồng thời cho rằng, tuy đây là vấn đề mới, khó nhưng các hồ sơ, tài liệu được chuẩn bị tương đối chất lượng.

Phát biểu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ranh giới lập quy hoạch phải bảo đảm thống nhất đồng bộ với các luật hiện hành, thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển.

Trong phát triển hệ thống nông thôn, cần lưu ý nghiên cứu bổ sung nội dung chủ trương phát triển mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP); tập trung xử lý, bảo vệ môi trường nhất là về rác thải, nước thải; khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn; định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh, phát triển vùng sản xuất lớn, chuyên canh hữu cơ, bố trí không gian nông nghiệp gắn với hạ tầng giao thông, gắn với phát triển tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cũng cần xem xét bổ sung.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, cần nhấn mạnh hơn về phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng kỹ thuật, thông tin, năng lượng và hạ tầng số quốc gia; xác định cụ thể khung kết cấu hạ tầng quốc gia, bên cạnh đường bộ cần chú trọng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đa phương thức vận tải khác. Đồng thời, bổ sung thêm chỉ tiêu về xanh hóa, phát triển đô thị xanh và bền vững…

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên UBTVQH, cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị quyết đảm bảo tiến độ, chất lượng, tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội./.

Cùng chuyên mục
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050