Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán
Thông tin tại Tọa đàm “30 năm phát triển của Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - Hành trình và triển vọng”, PGS, TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch VAA cho biết, từ khi thành lập năm 1994, VAA đã tập hợp đội ngũ kế toán, kiểm toán trên cả nước, trở thành “ngôi nhà chung”, là diễn đàn để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Trải qua 30 năm phát triển, VAA đã có 10.000 hội viên trên cả nước và 27 hội thành viên hoạt động chuyên nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, công thương, giao thông vận tải, xây dựng, bưu chính viễn thông, địa chất...
Ngoài ra, hội viên của VAA còn có các doanh nghiệp, các công ty cung cấp dịch vụ, phát triển phần mềm, công nghệ về kế toán, kiểm toán.
Đặc việt, VAA còn có một lực lượng đông đảo hội viên là các chuyên gia tài chính, kế toán, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học, viện nghiên cứu - những người góp phần vào việc phát triển kế toán, kiểm toán cả về lý luận và thực tiễn.
Để nâng cao năng lực hội viên, Hiệp hội đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, đội ngũ những người làm kế toán, kế toán trưởng, phát triển năng lực hội viên, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi mới của nghề nghiệp.
Hiệp hội đảm nhận và triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học; tổ chức hội thảo khoa học, sinh hoạt chuyên môn, các khóa đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp, các lớp huấn luyện, cập nhật kiến thức, chính sách, chế độ mới cho hội viên; tham gia các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.
VAA đang quản lý đội ngũ hành nghề kế toán, kiểm toán khá chặt chẽ và hiệu quả, tổ chức cập nhật kiến thức pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ kế toán viên hành nghề. Đồng thời, đã tổ chức hàng trăm khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn và năng lực của đội ngũ kế toán, kiểm toán, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nghề nghiệp. Hiệp hội cũng chủ trì nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học về tài chính, kế toán, kiểm toán, quan tâm đến việc bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của hội viên. TS. Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán, – Bộ Tài chính
Hiệp hội quan tâm đặc biệt đến việc bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của Hội viên thông qua việc ban hành quy chế về đạo đức hành nghề, tăng cường tuyên truyền, giáo dục và chủ động kiểm soát đạo đức nghề nghiệp, kiểm soát chất lượng dịch vụ hành nghề kế toán, kiểm toán, kịp thời động viên khen thưởng các Hội viên có thành tích và xử lý nghiêm kỷ luật các tổ chức, cá nhân, các hành vi vi phạm.
“Với hệ thống hội viên trên phạm vi cả nước, VAA đã thực hiện các chức năng, nhiệm vụ từ tư vấn khoa học, phản biện, giám định các chính sách, các dự án của Nhà nước cho đến việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, phát triển năng lực cho ngành nghề kế toán, kiểm toán Việt Nam. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2019-2024, VAA đã triển khai nhiều hoạt động nhằm củng cố, kiện toàn, phát triển Hiệp hội và hội viên một cách hiệu quả. ”, PGS, TS. Đặng Văn Thanh chia sẻ.
Không chỉ Hiệp hội, 27 các hội thành viên của VAA cũng đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán. Bà Đinh Thị Thúy - Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành VAA, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Misa chia sẻ, Misa đã song hành cùng với VAA trong suốt thời gian qua với rất nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn, tổ chức các hội thảo về mặt chuyên môn cho các hội viên là kế toán trưởng, kế toán viên, kiểm toán viên Việt Nam.
Cùng với đó, thông qua việc cung cấp các phần mềm kế toán, kiểm toán cho khách hàng, Misa cũng đồng thời phối hợp với VAA triển khai đào tạo, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật, thông tư, chế độ về kế toán, kiểm toán cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán
PGS, TS. Đặng Văn Thanh nhấn mạnh, ngay khi thành lập với tổ chức tiền thân là Câu lạc bộ kế toán trưởng, VAA đã là tổ chức nghề nghiệp của những người hành nghề kế toán và kiểm toán Việt Nam. Mặc dù lực lượng khi ấy chỉ có 510 kế toán trưởng đang làm việc tại các doanh nghiệp quốc doanh nhưng VAA đã thực hiện nhiệm vụ cải cách hệ thống kế toán Việt Nam, xây dựng và thiết lập một hệ thống kế toán mới phù hợp với yêu cầu của thị trường, đồng thời tiếp cận và chọn lọc các nguyên tắc, chuẩn mực, thông lệ kế toán quốc tế phù hợp với năng lực, trình độ Việt Nam.
Theo GS, TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Chủ tịch VAA, Chủ tịch Liên đoàn Kế toán Đông Nam Á (AFA), Hiệp hội luôn là một trong những thành phần nòng cốt, tham gia tích cực, có hiệu quả vào việc tạo dựng nên một khung pháp lý hoàn thiện và đầy đủ về lĩnh vực tài chính, kế toán và kiểm toán.
Đặc biệt, VAA đã tham gia xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán - hệ thống chuẩn mực đầu tiên của Việt Nam tiếp cận với chuẩn mực của quốc tế. Các thành viên của VAA thường xuyên tham gia xây dựng, hoàn thiện, góp ý vào các văn bản quy định pháp luật, cơ chế chính sách về tài chính, kế toán, kiểm toán; cũng như tham gia tư vấn khoa học, vừa phản biện xã hội, vừa ý kiến đóng góp vào các dự án luật sửa đổi trong các lĩnh vực về kinh tế, tài chính.
Đồng thời, Hiệp hội luôn chủ động phổ biến, triển khai và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về kế toán, kiểm toán đến các hội viên. Một trong những đóng góp lớn của Hiệp hội là làm cầu nối giữa những người hoạch định cơ chế chính sách với những người thực thi công tác tài chính, kế toán, kiểm toán.
Hiệp hội còn là tổ chức đại diện cho cộng đồng kế toán, kiểm toán nói lên những khó khăn, vướng mắc hoặc những điểm cần phải tháo gỡ trong thực tiễn để hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo tính thực tiễn, lâu dài. Chính những hoạt động này đã góp phần tạo nên sự tin cậy, minh bạch trong quản lý kinh tế, tài chính, kế toán cho các đơn vị nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.
Trong quá trình cung cấp các ứng dụng, phần mềm cho các khách hành, chúng tôi cũng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai áp dụng các thông tư, chế độ kế toán, kiểm toán để song hành cùng với VAA, Cục Quản lý, giám sát kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) sửa đổi, bổ sung, cập nhật các quy định mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, Misa luôn sẵn sàng đồng hành với Hiệp hội tổ chức các chương trình hội thảo, tập huấn để tư vấn cho hội viên về giải pháp, ứng dụng phần mềm giúp các đơn vị cập nhật và tuân thủ quy định pháp luật. Bà Đinh Thị Thúy - Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành VAA, Tổng giám đốc Công Misa
Đồng hành cùng đất nước phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, VAA đang bước sang một giai đoạn mới, đồng hành cùng đất nước ngày càng phát triển nhanh, bền vững, ổn định và hội nhập toàn diện hơn vào kinh tế thế giới. Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là những thách thức đối với các tổ chức nghề nghiệp, trong đó có những người làm nghề kế toán và kiểm toán.
Theo PGS, TS. Đặng Văn Thanh, mục tiêu trọng tâm VAA đề ra trong nhiệm kỳ VII (2024-2029) là tiếp tục sứ mệnh và tôn chỉ “tin cậy, chuyên nghiệp và phát triển” để xứng đáng với vai trò, vị thế là Hội nghề nghiệp chuyên nghiệp của những người làm nghề kế toán, kiểm toán, đáp ứng được các yêu cầu quản lý cũng như các nhu cầu của những người sử dụng thông tin về kế toán và kiểm toán. Đồng thời, VAA phải tiếp tục nhiệm vụ hiện đại hóa và phát triển hệ thống kế toán Việt Nam tương xứng với mục tiêu phát triển của đất nước Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Từ thực tế hoạt động và nhu cầu thực tiễn, một trong những nhiệm vụ chính của Hiệp hội là tập hợp được đông đảo nhất các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kế toán, kiểm toán viên đang hành nghề để tư vấn khoa học, phản biện và giám định lại các chính sách của Nhà nước, giúp có chế chính sách về tài chính, kế toán thực tiễn hơn, khả thi hơn.
Bên cạnh đó, VAA phải chăm lo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phát triển năng lực hội viên. Hiệp hội phải là nơi để các hội viên rèn luyện, bồi dưỡng và được trang bị, trao đổi, chia sẻ kiến thức để nâng cao trình độ, năng lực.
Thời gian tới, Phân hội Kiểm toán viên nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường phát triển cả về quy mô, số lượng hội viên, đồng hành cùng VAA để tăng cường các hoạt động nghề nghiệp một cách chuyên nghiệp và tích cực hơn; tham gia có hiệu quả vào quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách kinh tế - tài chính thông qua công tác tư vấn khoa học, phản biện chính sách kinh tế, tài chính, kế toán và kiểm toán, các chuẩn mực kế toán và kiểm toán; góp phần nâng cao vị thế, vai trò của nghề kế toán, kiểm toán trong khu vực công, đồng thời cũng đóng góp vào sự phát triển chung của nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm VAA
Chia sẻ thêm về định hướng phát triển của VAA trong thời gian tới, GS, TS. Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh, ba phương châm VAA hướng tới cần được hiểu rằng: “Tin cậy” là xây dựng và giữ được niềm tin của các tổ chức, cơ quan, lãnh đạo các cấp, các ngành và đối tác. Đồng thời, VAA cũng là nơi gửi gắm niềm tin, duy trì mối quan hệ giữa Hiệp hội với các hội viên, tổ chức thành viên, gắn kết lợi ích của Hiệp hội với hội viên từ khâu tổ chức hoạt động, công tác chuyên môn, văn hóa làm việc bám sát định hướng.
“Chuyên nghiệp” thể hiện qua các mục tiêu, chương trình hoạt động cụ thể, đảm bảo tính lâu dài, bền vững, đồng thời đúng nguyên tắc, tôn chỉ, mục đích của Điều lệ và giữ được bản sắc, văn hóa của Hiệp hội. “Phát triển” cả về quy mô, tổ chức, chất lượng, dịch vụ, đáp ứng xu hướng mới theo sự phát triển của nền kinh tế nói chung, hội nhập khu vực và thế giới.
Để thực hiện được phương châm này và nâng cao giá trị, chất lượng nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam, thời gian tới, VAA sẽ cố gắng cải thiện, đổi mới tổ chức, hoạt động cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới cũng như thông lệ quốc tế; thu hút hội viên tham gia một cách tích cực vào hiệu quả, gắn trách nhiệm của hội viên với Hiệp hội.
Đồng thời, thúc đẩy việc tham gia xây dựng, phản biện xã hội, cải thiện năng lực quản lý và giám sát nghề nghiệp kế toán và kiểm toán; tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, các quy trình, chuẩn mực kế toán, kiểm toán; đảm bảo chuyên nghiệp và minh bạch trong hoạt động của Hiệp hội.
Hiệp hội cũng sẽ phải chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết cả về thể chế, nhân lực, tổ chức để sẵn sàng tiếp nhận, thực hiện tốt các nhiệm vụ khi được Bộ Tài chính cũng như các cơ quan nhà nước giao. Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, vinh danh nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán để động viên, tạo động lực cho những người tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ tiếp tục mở rộng cũng như phát triển các mối quan hệ hợp tác với các đối tác, với tổ chức nghề nghiệp một cách sâu rộng trên phạm vi bình diện cả trong nước, khu vực và quốc tế.
VAA sẽ tham gia tích cực, có hiệu quả với tư cách là thành viên của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) và Liên đoàn Kế toán Đông Nam Á (AFA), đảm nhận vị trí Chủ tịch AFA nhiệm kỳ 2024 - 2025. Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch AFA, VAA sẽ hình thành nên các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phát triển hợp tác trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán; thực hiện các chương trình hợp tác đa phương để tăng cường giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các nước thành viên trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, VAA chủ trì tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế để tạo nên một diễn đàn chuyên môn chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức thực hiện các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế. Việc tôn trọng và hài hòa hóa quan hệ hợp tác quốc tế sẽ được VAA triển khai trên cơ sở chọn lọc hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tiến tới quốc tế hóa dần các vấn đề về chuẩn mực, quy trình kế toán và kiểm toán, tạo nên một thị trường chung trong khu vực Đông Nam Á về dịch vụ kế toán và kiểm toán./.