Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, chủ đề Hội thảo mang tính thực tiễn cao, có ý nghĩa thời sự, nền tảng lý luận cơ bản, phù hợp để nghiên cứu lâu dài. Hội thảo góp phần cụ thể hóa các nội dung quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: Nhân Dân |
Đồng hành cùng lịch sử hào hùng, nền văn học, nghệ thuật (VHNT) nước nhà đã có nhiều thành tựu sáng tạo, bồi đắp phẩm giá, lương tri của dân tộc. Trong đời sống hiện nay, VHNT tiếp tục dòng mạch chính của chủ nghĩa nhân văn yêu nước; đội ngũ văn nghệ sĩ đã hòa mình vào thực tiễn sinh động, chủ động đổi mới tư duy; tích cực giữ gìn và phát huy các yếu tố tích cực, lành mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cần nghiêm túc, thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, bất cập, hạn chế, như: số lượng tác phẩm nhiều nhưng chất lượng chưa tương xứng; chưa khám phá được chiều sâu cuộc sống, bối cảnh hiện thực của công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước; còn tô đậm mảng tối, chưa chú ý đến vấn đề lớn lao của đất nước, trách nhiệm công dân; chiều theo thị hiếu dễ dãi, chức năng giải trí mà hạ thấp chức năng giáo dục, thẩm mỹ; một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang thờ ơ với giá trị VHNT truyền thống dân tộc, quay lưng với sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, VHNT là lĩnh vực quan trọng, thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người và góp phần đáng kể trong quá trình xây dựng, phát triển xã hội. VHNT là nhu cầu văn hóa tinh thần, có tác dụng định hướng, nên tạo điều kiện để VHNT phát triển là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, đội ngũ văn nghệ sĩ cần phát huy lòng yêu nước, trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị; đội ngũ quản lý cần nỗ lực hơn nữa để phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới. Bối cảnh hiện nay có nhiều điều kiện, tiền đề thuận lợi để VHNT phát triển lên tầm cao mới. Với thế mạnh đặc thù riêng có, những người hoạt động trong lĩnh vực cần ý thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm trước đất nước và nhân dân.
Hội thảo có năm nội dung chính bao quát gần như toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, chính trị và văn hóa, VHNT của đất nước, gồm: VHNT với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và hội nhập quốc tế; VHNT với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; VHNT với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; VHNT với nhiệm vụ quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài và cuối cùng là, VHNT với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò, đóng góp của VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ trong quá trình đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Trên cơ sở những phân tích, đánh giá thực trạng, các đại biểu đã đưa ra dự báo về xu hướng vận động, phát triển của VHNT Việt Nam thời gian tới. Đề xuất giải pháp cụ thể, mang tính khả thi để VHNT phát huy được tốt hơn hiệu quả xã hội của mình, đóng góp cho mục tiêu hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.
Sau Hội thảo, ngày 16/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương sẽ tổ chức kỳ họp thứ 10 nhằm thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và toàn nhiệm kỳ 2016-2021; cho ý kiến về các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng dự kiến triển khai trong năm 2022 và nhiệm kỳ 2021-2026.
N.LỘC