Việt Nam chủ động áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Năm 2024, nếu Việt Nam không áp thuế tối thiểu toàn cầu 15% theo đề xuất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), phần chênh lệch tiền thuế khoảng 12.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp (DN) FDI sẽ phải nộp về chính quốc và Việt Nam sẽ không thu được số thuế này. Bảo vệ quyền đánh thuế, tránh thất thu ngân sách đòi hỏi Việt Nam phải chủ động, khẩn trương xây dựng cơ chế áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

thue-toi-thieu-284.jpg
Có 1.017 DN FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh sưu tầm

Hơn 70 doanh nghiệp FDI có thể thuộc đối tượng áp dụng

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu do OECD khởi xướng và dự kiến sẽ được thực thi từ năm 2024. Đây là thỏa thuận đa phương với sự tham gia của hơn 140 quốc gia trên thế giới. Thuế này ra đời nhằm hạn chế cuộc đua xuống đáy đối với ưu đãi về thuế, nhất là với các nước đang phát triển, đồng thời để tận dụng nguồn thu thuế, đặc biệt là giảm hiện tượng trốn thuế, chuyển giá. Cụ thể, các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu Euro sẽ bị áp dụng mức thuế tối thiểu 15%. Giả sử một công ty Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, họ đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) khoảng 12% (do được ưu đãi thuế), mức chênh lệch 3% còn lại, họ sẽ phải nộp về quốc gia nơi có trụ sở chính là Hàn Quốc.

Hiện thuế TNDN của Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, chúng ta đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm đầu như: Ưu đãi thuế suất 5%, 10%, 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn...

Theo Bộ Tài chính, hiện tại, 1.017 DN FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, ít nhất 70 DN có khả năng chịu ảnh hưởng của loại thuế này vào năm 2024. Nếu áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những DN FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Trong trường hợp Việt Nam không thu thuế TNDN bổ sung, toàn bộ số thu được ưu đãi cho các DN hiện tại sẽ được các nước phát triển có DN đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong 3 năm 2020-2022, thuế TNDN chiếm 18-21% tổng số thu ngân sách nội địa. Trong đó, thuế TNDN từ khu vực DN FDI chiếm khoảng 7,5-8,5% tổng số thu ngân sách nội địa và chiếm khoảng 39-41% tổng số thu thuế TNDN. 

Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam - đề xuất, Việt Nam cần xây dựng các hình thức hỗ trợ mới cho các DN FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có thể nghiên cứu thay đổi chính sách ưu đãi thuế TNDN sang áp dụng cơ chế ưu đãi khoản hỗ trợ bằng tiền - điều đang được các quốc gia khác như: Mỹ, Đức, Ấn Độ… áp dụng. Tương tự, ông Tomoki Miyazaki - Giám đốc Tài chính kế toán Công ty TNHH Canon Việt Nam - cho rằng, cơ quan điều hành cần sớm xây dựng các hình thức hỗ trợ mới nhằm bù đắp cho việc sụt giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam phát sinh do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…

Nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ

Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cần bổ sung quy định về thuế TNDN theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15%) để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu của các nước và áp dụng từ ngày 01/01/2024. Nghiên cứu bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (gồm: Quy định tổng hợp thu nhập (IIR) và quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR)) để áp dụng đối với các DN Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và các DN khác thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu nhằm thu phần chênh lệch (nếu có).

Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với việc thu hút đầu tư tại Việt Nam, ông Minh đề xuất, cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư. Các giải pháp hỗ trợ có thể bao gồm: Hỗ trợ các DN trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường; hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động; hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Để thực hiện được chương trình hỗ trợ, Nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực nhằm duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam - cho rằng: Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác như một số nước trong khu vực đang áp dụng. Tổng Giám đốc PwC Việt Nam - bà Đinh Thị Quỳnh Vân - khuyến nghị: Việt Nam nên nhanh chóng ban hành thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu để tránh thất thu thuế. Tuy nhiên, đối với DN FDI, có thể xem xét một chính sách ưu đãi đầu tư mới với các khoản trợ cấp hoặc khấu trừ thuế được hoàn lại theo các quy tắc của GloBE áp dụng cho việc thực hiện thuế suất tối thiểu toàn cầu. Hoặc ưu đãi dựa trên các chi phí đầu tư ban đầu của DN, trên cơ sở đó, phân bổ lại cho họ.

Bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - đề xuất áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024 và Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nội luật. Việt Nam có thể hỗ trợ bằng ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, thuế TNDN; ưu đãi về tài chính, hạ tầng, đất đai… cho DN chứ không ưu đãi bằng tiền mặt./.

Cùng chuyên mục
  • Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh: Nhiều gam màu sáng, tối
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh vẫn tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn còn những “gập ghềnh” nhất định, đòi hỏi chính quyền các địa phương cần tiếp tục nỗ lực không ngừng, kiên trì đẩy mạnh cải cách quyết liệt, đồng bộ hơn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (DN).
  • 49,9 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Với gần 16 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 4/2023, tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước đã có 49,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.
  • Dòng tiền sẽ trở lại thị trường chứng khoán
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Trong bối cảnh lãi suất và chi phí cơ hội giảm, điều kiện tín dụng dần nới lỏng, các giải pháp nâng cao chất lượng thị trường của cơ quan quản lý được triển khai, giới chuyên gia dự báo, dòng tiền của nhà đầu tư sẽ dần trở lại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
  • Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 3,6%
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước dù chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
  • Thị trường bất động sản vẫn khá trầm lắng
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Bộ Xây dựng, trong quý I/2023, nhìn chung thị trường bất động sản trên cả nước vẫn trong trạng thái khá trầm lắng khi nguồn cung và lượng giao dịch tiếp tục sụt giảm, hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành còn nhiều khó khăn.
Việt Nam chủ động áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu