Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn

(BKTO) - Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên. Việt Nam chính là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với tổng số vốn FDI đăng ký năm 2023, bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, đạt khoảng 36,6 tỷ USD - tăng 32,1% so với năm trước.

12b(1).jpg
Vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên. Ảnh minh họa

Thu hút đầu tư nước ngoài tăng trở lại

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) cho thấy, có 3.188 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2023, tăng 56,6% so với năm trước; tổng vốn đăng ký đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2%. Có 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn, tăng 14%, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD, giảm 22,1%. Có 3.451 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 3,2%; tổng giá trị vốn góp đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7%. Như vậy, ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh so với năm trước.

Theo phân tích của Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, vốn đầu tư FDI tăng mạnh cả về vốn đầu tư mới cũng như số dự án đầu tư mới, tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như: Cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…, tiêu biểu như: TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai. Riêng 10 địa phương này đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm 2023.

12a.jpg
Thu hút FDI từ năm 2019-2023

Cùng với đó, vốn đầu tư điều chỉnh dù giảm so với năm trước song mức giảm đã được cải thiện hơn theo thời gian. Điều cần lưu ý nữa là tuy giảm về vốn, song số dự án điều chỉnh vốn vẫn tăng 14% so với năm trước, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với năm trước. Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu với số dự án mới chiếm 33,7% và số dự án điều chỉnh vốn chiếm 54,8%.

Đồng thời, xuất khẩu của khu vực FDI tuy giảm song mức xuất siêu ngày càng tăng; lượng xuất siêu đã giúp bù đắp phần nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, với mức xuất siêu gần 48,8 tỷ USD kể cả dầu thô và gần 46,9 tỷ USD không kể dầu thô, khu vực FDI đã bù đắp phần nhập siêu hơn 21,9 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, là bệ đỡ giúp cả nước xuất siêu khoảng 26,9 tỷ USD.

Niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng sắp tới

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, tổng vốn FDI thu hút được trong năm 2023 đã gần bằng so với thời điểm trước đại dịch Covid-19, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào phục hồi kinh tế trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã minh chứng thêm cho nhận định này khi 62% nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam được khảo sát đã xếp Việt Nam trong Top 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó 17% xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất. Theo đó, 31% DN châu Âu có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong quý I/2024 và 34% có ý định tăng mức đầu tư. Những số liệu này báo hiệu động lực tăng trưởng mạnh mẽ và cơ hội cho Việt Nam trong năm 2024. Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nhấn mạnh, niềm tin của cộng đồng DN nước ngoài tại Việt Nam đang ngày càng tăng và Việt Nam chính là ngôi sao đang lên trong đầu tư toàn cầu.

Số liệu thống kê cho thấy, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tính tới ngày 20/12/2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài năm 2023 tăng là kết quả của sự đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động tiếp cận, nắm bắt, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN đã giúp DN ổn định và cải thiện sản xuất kinh doanh.

Để tăng hiệu quả thu hút FDI trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Bộ KHĐT sẽ thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành kinh tế mới như: Sản xuất chíp bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài… để phát huy tốt hơn cơ hội của Việt Nam trong xu hướng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và sự chuyển dịch dòng vốn FDI toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng

Việc thu hút FDI thành công, đặc biệt là trong nửa cuối năm góp phần làm dòng vốn FDI thực hiện tăng và xét về quy mô thì 2023 là năm đạt quy mô vốn FDI thực hiện cao nhất từ trước đến nay - lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài nêu rõ. Sự phục hồi và bắt đầu tăng trưởng trở lại của dòng vốn FDI vào Việt Nam từ nửa cuối năm, bởi trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký FDI đã giảm 4,6% so với cùng kỳ. Số vốn thực hiện đạt cao là động lực rất quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và các năm tiếp theo trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Kết quả này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư của Việt Nam thông thoáng, an toàn; nhiều chính sách tài khoá, tiền tệ nhằm hỗ trợ DN đã được thực thi hiệu quả. Các yếu tố này đã tác động tích cực đến các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đến đầu tư mới, cũng như mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam./.

Cùng chuyên mục
  • Phân cấp triệt để, tạo sự linh hoạt, chủ động
    3 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Với 8 cơ chế đặc thù “khác với luật, vượt lên trên luật”, trên nguyên tắc phân cấp mạnh, tăng cường năng lực của cơ sở, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kỳ vọng các cơ chế đặc thù sẽ sớm được triển khai hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).
  • Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia tăng 2,3 triệu khách hàng
    3 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Năm 2023, với sự nỗ lực của tất cả các chủ thể tham gia hệ thống thông tin tín dụng, cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng (CSDL TTTD) quốc gia đã tăng 2,3 triệu khách hàng, đạt mức tăng trưởng hơn 4,3% và đạt 55,3 triệu hồ sơ khách hàng vay.
  • Ngăn ngừa nợ xấu, cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt
    3 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh, cơ cấu lại ngân hàng được kiểm soát đặc biệt… là những mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra trong năm 2024.
  • Mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đạt 117% kế hoạch xử lý thu hồi nợ
    3 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Năm 2023, mua nợ theo giá trị thị trường đạt 1.755 tỷ đồng giá mua nợ, tăng 65% so với năm 2022; xử lý thu hồi nợ đạt 16.109 tỷ đồng theo dư nợ gốc, tăng 49% so với năm 2022; VAMC đã hoàn thành chỉ tiêu mua nợ bằng trái biếu đặc biệt, đạt 117% kế hoạch xử lý thu hồi nợ.
  • Tạo bước đột phá cho Côn Đảo…
    3 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội thống nhất cao việc bố trí vốn từ nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo.
Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn