Phân cấp triệt để, tạo sự linh hoạt, chủ động

(BKTO) - Với 8 cơ chế đặc thù “khác với luật, vượt lên trên luật”, trên nguyên tắc phân cấp mạnh, tăng cường năng lực của cơ sở, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kỳ vọng các cơ chế đặc thù sẽ sớm được triển khai hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

12.jpg
Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG. Ảnh: ST

Quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn

Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG, các ĐBQH đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết và cho rằng, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các CTMTQG; đồng thời thực hiện Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các CTMTQG.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH Yên Bái) thống nhất với quy định Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng CTMTQG chi tiết đến dự án thành phần. Đồng thời, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung thêm quy định: “Cho phép HĐND tỉnh điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ chi thường xuyên của các nội dung, dự án không còn đối tượng chi hoặc không có khả năng giải ngân để chuyển sang chi đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới”, để tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong cân đối, sử dụng nguồn lực phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) cũng cho rằng, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm theo tổng kinh phí chi thường xuyên cho từng CTMTQG và giao cho HĐND địa phương phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần là hoàn toàn phù hợp, giúp cho các địa phương chủ động hơn và phân bổ sát thực tiễn thực hiện các nội dung của các Chương trình.

Tuy nhiên, đại biểu Mai Văn Hải cũng như nhiều đại biểu khác đề nghị cần làm rõ quy định “khi nào cần thiết” HĐND cấp tỉnh phân cấp cho HĐND cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần. Theo đại biểu, nên xem xét giao cho HĐND cấp tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố trong tổng kinh phí chi thường xuyên và giao HĐND cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án nội dung thành phần. Qua đó, giúp chủ động cho các huyện và sử dụng chi thường xuyên sát thực tiễn và hiệu quả. Các ĐBQH cũng đề nghị cần có quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ để các địa phương thực hiện đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tránh tình trạng phân bổ một cách chủ quan, tập trung vào một số dự án cụ thể.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện CTMTQG, đa số các đại biểu đồng tình cần thực hiện ngay cơ chế này. Phương án này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương, đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các CTMTQG và đảm bảo thống nhất về mục tiêu chung của tỉnh. “Nếu không thực hiện ngay cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện thì việc thực hiện thí điểm không còn nhiều ý nghĩa. Việc thực hiện thí điểm ngay trong giai đoạn 2024-2025, sau khi tổng kết thực tiễn sẽ là tiền đề quan trọng để phục vụ cho giai đoạn 2026-2030 triển khai thực hiện được tốt hơn” - đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH Lạng Sơn) nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ điều kiện, tiêu chí lựa chọn cấp huyện để thí điểm thực hiện cơ chế này. Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh), Chính phủ cần ban hành tiêu chí cụ thể lựa chọn huyện thí điểm làm cơ sở để thống nhất thực hiện trong cả nước. Nếu để các tỉnh tự ban hành tiêu chí sẽ khó, không mang tính toàn diện.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất, huyện thí điểm được chọn nên theo tiêu chí là huyện đang gặp nhiều khó khăn nhất, tỷ lệ giải ngân thấp nhất. Trên tinh thần phân cấp, phân quyền rõ, mạnh, nội dung của từng cấp cần có quyết định thật cụ thể. HĐND tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thực hiện và phân cấp mạnh về cho huyện; HĐND huyện chịu trách nhiệm về phân bổ, điều chỉnh chi tiết.

Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết đặc thù và cơ chế thí điểm cho các địa phương, lĩnh vực đặc thù khi triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc. Đề nghị Quốc hội sớm ban hành một nghị quyết riêng để tháo gỡ những khó khăn này, thay vì ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế đặc thù cho các địa phương, lĩnh vực khác nhau.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội)

Chú trọng kiểm tra, giám sát

Qua thảo luận, nhiều ĐBQH cũng cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở trong thực hiện các CTMTQG thì cũng cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để tránh sai sót, vi phạm trong quá trình thực hiện.

Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội), các chính sách về đầu tư công, đấu thầu tài sản công cần rành mạch; thời hạn thực hiện cần rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, “Nghị quyết đề xuất nhiều cơ chế, chính sách để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp cho địa phương triển khai thực hiện các dự án trong CTMTQG. Tuy nhiên, việc phân cấp lại không có cơ chế kiểm soát, nếu xảy ra sai sót, vi phạm trong quá trình thực hiện rất khó để xem xét trách nhiệm” - đại biểu Nguyễn Phương Thủy băn khoăn và đề nghị cần cơ chế giám sát một cách hợp lý để giảm thiểu những vướng mắc.  

Quan tâm đến cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn ĐBQH Thái Bình) đồng tình lựa chọn phương án 1: Thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân; thực hiện chính sách cho chủ trì liên kết được vay vốn ưu đãi đầu tư tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên để phục vụ hoạt động phát triển sản xuất (không thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).

Theo đại biểu, phương án này bảo đảm cơ sở pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho các địa phương trong quản lý, giám sát quá trình sử dụng tài sản công được hình thành trong quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất. Việc quy định thực hiện chính sách hỗ trợ không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân bảo đảm dễ thực hiện, kết nối được chính sách hỗ trợ của Nhà nước với các đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… và có thể thực hiện ngay sau khi Nghị quyết được thông qua. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần cân nhắc bổ sung vào các quy định để tránh tình trạng trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí; tích cực đẩy mạnh truyền thông góp phần nâng cao nhận thức trong thực hiện các cơ chế, chính sách này./.

Cùng chuyên mục
  • Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia tăng 2,3 triệu khách hàng
    10 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Năm 2023, với sự nỗ lực của tất cả các chủ thể tham gia hệ thống thông tin tín dụng, cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng (CSDL TTTD) quốc gia đã tăng 2,3 triệu khách hàng, đạt mức tăng trưởng hơn 4,3% và đạt 55,3 triệu hồ sơ khách hàng vay.
  • Ngăn ngừa nợ xấu, cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt
    10 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh, cơ cấu lại ngân hàng được kiểm soát đặc biệt… là những mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra trong năm 2024.
  • Mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đạt 117% kế hoạch xử lý thu hồi nợ
    10 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Năm 2023, mua nợ theo giá trị thị trường đạt 1.755 tỷ đồng giá mua nợ, tăng 65% so với năm 2022; xử lý thu hồi nợ đạt 16.109 tỷ đồng theo dư nợ gốc, tăng 49% so với năm 2022; VAMC đã hoàn thành chỉ tiêu mua nợ bằng trái biếu đặc biệt, đạt 117% kế hoạch xử lý thu hồi nợ.
  • Tạo bước đột phá cho Côn Đảo…
    10 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội thống nhất cao việc bố trí vốn từ nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo.
  • Tỷ lệ lạm phát của Italy giảm mạnh trong năm 2023
    10 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong một diễn biến tích cực cho nền kinh tế châu Âu, Viện Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) và Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) đã công bố những con số lạm phát giảm mạnh, tạo hy vọng cho sự phục hồi kinh tế sau những khó khăn gần đây.
Phân cấp triệt để, tạo sự linh hoạt, chủ động