Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn gần 32,4 nghìn tỷ đồng, đạt 94% so với kế hoạch dự toán giao. Trong đó, thu thuế xuất nhập khẩu đạt 5.000 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch.
Thu nội địa đạt gần 27,4 nghìn tỷ đồng, bằng 93% kế hoạch dự toán giao. Tuy số thu nội địa giảm so với cùng kỳ và không đạt dự toán giao nhưng thu nội địa của Vĩnh Phúc vẫn đứng trong top 10 địa phương có số thu nội địa cao nhất cả nước.
Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức do sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế trong nước nói chung và của tỉnh nói riêng, từ đó đã tác động mạnh đến các khoản thu ngân sách của tỉnh, nhất là các khoản thu từ các doanh nghiệp chủ lực.
Năm 2024, dự toán thu ngân sách nhàn nước trên địa bàn tỉnh được giao theo nghị quyết của HĐND tỉnh là gần 32 nghìn tỷ đồng, bằng 104% so với dự toán thu ngân sách được Trung ương giao.
Trong đó, thu nội địa gần 26,4 nghìn tỷ đồng, bằng 105% dự toán Trung ương giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 5.400 tỷ đồng, bằng 100% dự toán Trung ương giao, vượt 400 tỷ đồng so với năm 2023.
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc xác định huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với các giải pháp đồng bộ ngay từ những tháng đầu năm. Trong đó, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, giữ vững tỷ trọng thu nội địa cao, khai thác hiệu quả nguồn thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng cường các giải pháp chống thất thu ngân sách, nhất là thuế.
Ngành thuế đánh giá phân tích tình hình thu trên tất cả các lĩnh vực, các sắc thuế, từ đó có các giải pháp cụ thể để quản lý, chỉ đạo và tham mưu có hiệu quả. Quản lý chặt chẽ mọi nguồn thu, triển khai đồng bộ các biện pháp tổ chức quản lý thu trên tất cả các lĩnh vực và địa bàn để phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước.
Đổi mới, áp dụng các biện pháp, kỹ năng quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành chính sách thuế, giảm tỷ trọng nợ đọng thuế. Thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế vào những lĩnh vực có rủi ro cao về thuế. Tăng cường khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công, đặc biệt là đất đai, tài nguyên.
Cùng với đó, tỉnh chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững…