Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển logistics

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung hạ tầng và dịch vụ logistics quan trọng, chiếm tới 60% lượng hàng hóa của cả nước. Tuy nhiên, hoạt động logistics của vùng vẫn hạn chế, chi phí logistics còn cao, sự liên kết giữa doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics, các DN xuất nhập khẩu (XNK) chưa đạt hiệu quả như mong đợi... Đây là những điểm nghẽn cần tháo gỡ để tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa.

trang27.jpg
Hoạt động logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Ảnh minh họa

Chi phí logistics còn cao, nhân lực và cơ chế còn thiếu

Ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) - cho rằng, giao thông tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics của các DN. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics cũng là rào cản khiến hoạt động này chưa thật sự phát triển. Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh về chất lượng nguồn nhân lực logistics, 53,3% DN thiếu nhân viên có trình độ và kiến thức về logistics, 30% DN có đào tạo lại nhân viên và chỉ 6,7% DN hài lòng với trình độ chuyên môn của nhân viên. Lao động sẵn có cho dịch vụ logistics hiện chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Hầu hết lao động trong lĩnh vực này chưa được đào tạo bài bản…

Cũng từ góc độ DN logistics, ông Đỗ Xuân Minh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Logistics, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn - chia sẻ, mặc dù các cơ quan, ban, ngành đã tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại cho DN trong việc thông quan hàng hóa XNK nhưng vướng mắc về thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành vẫn còn. Một số quy định còn chồng chéo, nhiều chính sách chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics. Thiếu cơ chế để tạo ra sự liên kết, kết nối thực chất giữa các địa phương nhằm tận dụng tốt lợi thế của từng địa phương cũng như tổng hợp, chia sẻ nguồn lực, cơ hội thay vì cạnh tranh cục bộ. Các thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, chưa có sự phối hợp thực chất; liên kết giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị. Điều này cũng khiến DN logistics và DN XNK gặp khó khăn trong việc cắt giảm chi phí, thời gian, ảnh hưởng đến việc tiếp cận thị trường thế giới.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Đây là 1 trong 4 vùng kinh tế năng động nhất cả nước, đóng góp lớn nhất vào GDP.

Một nút thắt đáng lưu ý hiện nay trong phát triển logistics được ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - chỉ ra, đó là chi phí logistics của Việt Nam còn quá cao so với khu vực. Khoảng 10 năm trước, chi phí logistics của Việt Nam ở mức khoảng 20% GDP. Trong 5 năm gần đây, chi phí này đã giảm xuống khoảng 16,8%. Hiện vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm chi phí này xuống ngang bằng khu vực là 10-12%, nhưng hạ tầng kết nối giao thông chưa tạo thuận lợi cho việc này. Khu vực phía Nam chiếm tới 60% lượng hàng hóa của cả nước, nếu tổ chức hoạt động vận tải trong khu vực hiệu quả hơn thì chi phí sẽ giảm xuống, giúp tăng sản lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, tạo tác động lan tỏa tích cực cho cả vùng và đóng góp cho cả nước.

Tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi để logistics phát triển

Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm, để triển khai Đề án Phát triển ngành logistics của TP. Hồ Chí Minh một cách hiệu quả, Thành phố đã thành lập Hội đồng ngành gồm chuyên gia và các cơ quan, ban, ngành liên quan để cùng tìm ra giải pháp hiệu quả nhất, phù hợp với nguồn lực còn giới hạn hiện nay. Theo đó, Thành phố đang xây dựng kho dữ liệu về logistics để nâng cao hiệu quả vận hành, khai thác các phương tiện vận tải… Song song với đó, đào tạo nhân lực, củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn đang tiếp tục được triển khai.

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, ông Đặng Vũ Thành cho rằng, không nên đầu tư dàn trải nhiều dự án, nên ưu tiên xây dựng trước các công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch như: Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, hay các dự án kết nối cửa ngõ với 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ và vùng Ðông Nam Bộ, các tuyến đường vào các cảng biển…

Theo ông Đỗ Xuân Minh, để tạo thuận lợi hơn nữa cho DN XNK cũng như DN logistics, cần xây dựng hành lang pháp lý, đặc biệt là quy định kiểm tra, giám sát đối với hàng quá cảnh, trung chuyển nhằm thu hút lượng hàng rất lớn qua cụm cảng Cái Mép và TP. Hồ Chí Minh vì chi phí bốc xếp hợp lý. Cơ quan chức năng cần sửa quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho DN theo hướng nguyên container, nguyên seal, không áp dụng khai báo chi tiết như hàng XNK.

Đồng thời, rà soát các văn bản liên quan đến định nghĩa cảng cạn, ICD, cảng biển để tháo gỡ cho hàng chuyển cảng đích, di lý giữa các cảng trong cùng chi cục, khác chi cục trong cùng cục hải quan hoặc giữa các cảng thuộc cục hải quan khác nhau. Xem xét miễn phí cơ sở hạ tầng tại TP. Hồ Chí Minh đối với phương thức vận tải bằng đường thủy nhằm thúc đẩy phát triển vận tải xanh, các hệ thống bến cảng thủy nội địa, thúc đẩy tính liên kết vùng…

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh - cho biết, xác định tầm quan trọng của công tác tạo thuận lợi thương mại đối với nền kinh tế, Cục Hải quan Thành phố và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã cùng xây dựng Đề án Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái (Đề án 2318). Đây là một trong những chương trình đột phá của Cục Hải quan Thành phố nhằm tạo thuận lợi, giúp DN tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan và góp phần phát triển hoạt động logistics tại Thành phố. Ngành hải quan đang đề nghị các DN trong Đề án này chuyển sang tham gia chương trình DN tự nguyện tuân thủ để được ưu tiên tạo thuận lợi và giảm tỷ lệ kiểm tra./.

Cùng chuyên mục
  • Việt Nam chủ động áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
    một năm trước Kinh tế
    Năm 2024, nếu Việt Nam không áp thuế tối thiểu toàn cầu 15% theo đề xuất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), phần chênh lệch tiền thuế khoảng 12.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp (DN) FDI sẽ phải nộp về chính quốc và Việt Nam sẽ không thu được số thuế này. Bảo vệ quyền đánh thuế, tránh thất thu ngân sách đòi hỏi Việt Nam phải chủ động, khẩn trương xây dựng cơ chế áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
  • Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh: Nhiều gam màu sáng, tối
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh vẫn tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn còn những “gập ghềnh” nhất định, đòi hỏi chính quyền các địa phương cần tiếp tục nỗ lực không ngừng, kiên trì đẩy mạnh cải cách quyết liệt, đồng bộ hơn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (DN).
  • 49,9 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Với gần 16 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 4/2023, tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước đã có 49,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.
  • Dòng tiền sẽ trở lại thị trường chứng khoán
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Trong bối cảnh lãi suất và chi phí cơ hội giảm, điều kiện tín dụng dần nới lỏng, các giải pháp nâng cao chất lượng thị trường của cơ quan quản lý được triển khai, giới chuyên gia dự báo, dòng tiền của nhà đầu tư sẽ dần trở lại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
  • Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 3,6%
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước dù chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển logistics