Xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics đến năm 2030

(BKTO) - Nằm trong tốp đầu các thị trường mới nổi, với tốc độ phát triển của ngành logistics từ 14-16%/năm, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) năm 2023 ở thứ 43/139 nước và vùng lãnh thổ, tăng 21 bậc so với năm 2016.

lo(2).jpg
Dự kiến mục tiêu năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP của Việt Nam đạt 6 - 8%. Ảnh: ST

Theo đánh giá của các chuyên gia, logistics đóng vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhận thấy tiềm năng của ngành logistics còn rất lớn, Chính phủ rất quan tâm phát triển lĩnh vực này. Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương đang Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tại Hội thảo xin ý kiến đối với Dự thảo này vừa diễn ra ngày 24/1, tại Hà Nội, đại diện Bộ Công Thương nêu rõ, Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mục tiêu năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6 - 8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60 - 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên.

Mục tiêu đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12 - 15%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 70 - 90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10-12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics do nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi cho vận tải quốc tế và là nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh…

Việt Nam hiện có hơn 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, đạt quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Chất lượng cung cấp dịch vụ logistics được nâng cao rõ rệt, số lượng các dịch vụ logistics được cung cấp đa dạng, thị trường logistics của Việt Nam được mở rộng, các doanh nghiệp tham gia vào nhiều khâu trong chuỗi dịch vụ logistics, tiến dần đến những khâu có giá trị gia tăng cao.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông, Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017 là một văn bản quan trọng bước đầu đánh dấu sự quan tâm của các cấp, các ngành đến phát triển của ngành dịch vụ logistics của Việt Nam.

Sau 7 năm triển khai Kế hoạch hành động, ngành logistics nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp ở nước ta nói riêng đã có những bước tiến đáng kể, khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn cùng với những mục tiêu cụ thể, giải pháp cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, ông Trần Duy Đông cho biết, Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc xem xét, tiếp thu và mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý dưới nhiều hình thức để Chiến lược thể hiện đúng tầm vóc của một ngành kinh tế quan trọng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp logistics nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Theo kế hoạch, Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào quý II/2024. Cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng, khi được ban hành, Chiến lược sẽ tạo “sân chơi” bình đẳng cho các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics Việt Nam./.

Cùng chuyên mục
Xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics đến năm 2030