Chính sách ưu đãi thuế sẽ mất đi lợi thế?
Theo các chuyên gia, một trong những tác động của việc áp dụng chính sách Thuế toàn cầu là sức cạnh tranh thu hút đầu tư vào Việt Nam sẽ bị giảm sút so với hiện nay.
Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết, hiện tại, Việt Nam đang áp dụng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2008 và các Luật sửa đổi, bổ sung, các Nghị định quy định chi tiết và các Thông tư hướng dẫn về thuế TNDN. Hiện thuế suất Thuế TNDN phổ thông là 20%. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài, những năm qua, Việt Nam đã thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó có chính sách ưu đãi về Thuế TNDN. Đặc biệt, Luật Đầu tư năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung về mức ưu đãi Thuế TNDN đối với các dự án được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với mức cao hơn.
Do áp dụng ưu đãi thuế suất thấp và được ưu đãi miễn, giảm thuế trong khoảng thời gian nhất định (theo pháp luật đầu tư nước ngoài trước đây có cả trường hợp áp dụng thuế suất 10% suốt đời dự án) nên trên thực tế, thuế suất đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có ưu đãi sẽ có thuế suất thực tế (bình quân 6% đến 8%) trong thời gian được hưởng ưu đãi, thấp hơn mức thuế suất tối thiểu là 15%. “Như vậy, trường hợp áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu thì chính sách ưu đãi thuế TNDN không còn tác dụng” - ông Minh cho hay.
Nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định, trước khi có Thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam đang có lợi thế tương đối tốt, đặc biệt trong chính sách ưu đãi thuế, cụ thể là ưu đãi theo thu nhập (miễn, giảm thuế, thuế suất ưu đãi). Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi theo thu nhập này đã mất nhiều tác dụng trong bối cảnh áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. “Miễn thuế và thuế suất hiệu quả thấp sẽ không có hiệu lực ngay cả khi Việt Nam không áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu đạt chuẩn, các công ty đa quốc gia sẽ phải nộp 15% thuế bổ sung ở nơi khác” - Nhóm Thuế (Ngân hàng Thế giới) chỉ rõ.
Cần ban hành và thực thi chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp
Để hạn chế tác động tiêu cực của Thuế tối thiểu toàn cầu, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần ban hành và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm duy trì và nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đề xuất, cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng đảm bảo không vi phạm quy tắc về Thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư. Các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu ban hành như: Hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Để thực hiện được chương trình hỗ trợ, Nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư.
Đại diện Công ty Luật Kim & Chang cũng cho rằng, mục đích của chính sách ưu đãi đầu tư là duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sức cạnh tranh thu hút đầu tư vào Việt Nam. Do đó, các ưu đãi này nên được áp dụng trực tiếp, đúng thời điểm và có tính chất hỗ trợ tài chính. Theo đó, có thể xem xét các hỗ trợ tài chính hoặc giảm trừ thuế căn cứ trên hoạt động đầu tư, sản xuất. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải cách thể chế, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng theo lộ trình lâu dài, liên tục.
Từ góc độ nhà tư vấn, kiểm toán cho các công ty đa quốc gia, đại diện Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG phân tích, những doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chính sách Thuế toàn cầu có thể phân thành hai nhóm chính. Nhóm 1 là những doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam và thuộc diện được hưởng ưu đãi Thuế TNDN theo nội luật. Nhóm 2 là những nhà đầu tư mới (bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài). Vì vậy, việc đưa ra một cơ chế ưu đãi mới để áp dụng chung và đồng thời cho cả hai nhóm nhà đầu tư là thiếu khả thi, khó có thể cân bằng được lợi ích của tất cả nhà đầu tư. Do đó, Việt Nam có thể cân nhắc xây dựng cơ chế ưu đãi riêng cho từng nhóm nhà đầu tư.
Các chính sách ưu đãi được KPMG khuyến nghị gồm: Hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hải quan tạo điều kiện cho sản xuất hàng xuất khẩu, thủ tục cấp visa, giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài vào làm việc cho các dự án tại Việt Nam; hỗ trợ về đất đai, miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ về nhân lực (chi phí đào tạo, nâng cao tay nghề, chi phí cho các chuyên gia trình độ cao, chi phí thuế thu nhập cá nhân). Cùng với đó là hỗ trợ các chi phí kinh doanh khác như: Chi phí quản lý, logistics, giải phóng mặt bằng…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi nhấn mạnh, hệ thống ưu đãi đầu tư của Việt Nam hiện nay cần được rà soát, đánh giá lại một cách tổng thể để có các điều chỉnh, cải cách phù hợp. Với mục tiêu thích ứng với bối cảnh mới, cần phải trả lời các câu hỏi mang tính định hướng về các chính sách thu hút đầu tư giai đoạn hậu Thuế tối thiểu toàn cầu, như việc thiết lập môi trường đầu tư tích cực để thu hút các nhà đầu tư mới; hay chính sách thuế đối với các tập đoàn lớn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nhằm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam theo quy định của Thuế tối thiểu toàn cầu… Đây là những vấn đề cần được các cơ quan nghiên cứu và xử lý để tiếp tục duy trì môi trường đầu tư thuận lợi./.