Khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển, hiện đại hóa đất nước
GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân Việt Nam đóng vai trò chủ thể trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Đồng thời, với những lợi thế của mình, giai cấp công nhân Việt Nam đã đóng vai trò trung tâm, nòng cốt của khối liên minh, cùng hợp tác, giúp đỡ, phối hợp hành động với nông dân và trí thức trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
“Công đoàn Việt Nam có đóng góp tích cực vào công tác xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh” - GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng cho biết.
Công đoàn cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Công đoàn trực tiếp tham gia xây dựng chính sách liên quan đến công nhân, lao động; tham gia tuyên truyền, vận động giai cấp công nhân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tham gia đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo thiết thực đời sống công nhân, đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.
Bởi "sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam phản ánh chính quá trình trưởng thành của công đoàn Việt Nam" - GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Hội thảo khoa học là dịp để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng với các cơ quan ở Trung ương, địa phương nhận định, soi chiếu về lý luận, thực tiễn sinh động, những khía cạnh về địa vị chính trị, địa vị pháp lý, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vấn đề tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, đây là dịp để đánh giá kết quả thực hiện những chủ trương, định hướng, giải pháp lớn về lao động việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động; đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề chuyên môn, kỹ thuật; vấn đề tác phong, kỷ luật lao động, nâng cao năng suất lao động; hay vấn đề trí thức hóa công nhân…
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang
GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh còn những hạn chế, bất cập. Số lượng, chất lượng giai cấp công nhân, lao động nước ta chưa đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việc đào tạo, bồi dưỡng công nhân, người lao động còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Một bộ phận công nhân nước ta giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị còn thấp, không đồng đều; sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế; một số chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng, bàng quan, thờ ơ trước các sự kiện chính trị - xã hội, vận mệnh của dân tộc.
Mặc dù các Nghị quyết của Đảng đã nêu những quan điểm, giải pháp lớn để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh nhưng chậm được thể chế hóa, cụ thể hóa, hoặc thực hiện chưa có hiệu quả, chưa thật sự đi vào cuộc sống.
Dự báo xu hướng biến đổi của giai cấp công nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, PGS,TS. Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, giai cấp công nhân Việt Nam sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong những năm tới, chủ yếu là nhờ vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi nền kinh tế.
Tuy nhiên, để xây dựng một đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước phải liên tục đổi mới, sáng tạo và giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong bối cảnh thời đại mới.
Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh
Tại hội thảo, các ý kiến đã thảo luận thống nhất quan điểm, để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các cấp, các ngành cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, các ý kiến nhấn mạnh việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện lý luận về giai cấp công nhân trong điều kiện mới; nâng cao hiệu quả tham gia xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách đối với giai cấp công nhân; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; thực hiện tốt các chính sách, pháp luật và chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân.
Đồng thời, các ngành chức năng cần chú trọng đến chính sách việc làm, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra nhiều việc làm mới, thu hút ngày càng nhiều lao động vào làm việc; khích lệ, tạo cơ hội, điều kiện vật chất, tinh thần cho công nhân học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phát huy tài năng, trí tuệ, sự cần cù, tinh thần vượt khó, cống hiến; đẩy mạnh tiến độ thực hiện các đề án, dự án về nhà ở, các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất...
GS,TS. Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương lưu ý, vấn đề về xây dựng giai cấp công nhân hiện nay phải giải quyết hài hòa cả lý luận và thực tiễn; cần phải tiếp tục làm rõ hơn, tư duy về một giai cấp hiện đại, mang tính chất của kỷ nguyên mới, hiện đại về tư tưởng, tư duy, về phong cách lao động, về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý.
Xây dựng giai cấp công nhân có giá trị toàn cầu nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa Việt Nam; giải quyết tốt mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc; giữa giai cấp công nhân với Đảng và hệ thống chính trị, trong đó giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo thông qua Đảng tiền phong. Đặc biệt, để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh thì cần phải đặt trong mối tương quan với mục tiêu phát triển đất nước, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.
Các ý kiến cũng cho rằng, cùng với sự vào cuộc của Nhà nước, bản thân công nhân lao động cần chủ động, tích cực nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò tầm quan trọng của chính mình trong sự phát triển chung của doanh nghiệp cũng như của xã hội;
Xác định phương châm học suốt đời, làm giàu tri thức và kỹ năng nghề nghiệp, chủ động tiếp thu, ứng dụng khoa học - công nghệ mới, đồng thời sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng thích nghi với môi trường mới, công việc mới, yêu cầu mới.
Đến nay, công nhân nước ta đã có hơn 15 triệu người, chiếm khoảng 15% dân số, 29% lực lượng lao động xã hội, tạo ra gần 70% giá trị tổng sản phẩm xã hội. Công nhân, lao động nước ta có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lao động, tác phong công nghiệp ngày càng cao.
Đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 27,2%, trong đó trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm khoảng 17%, chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao như: dầu khí, điện lực, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ hóa học, sinh học./.