Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - QL1 theo hình thức hợp đồng BOT và BT: Kỳ I - Giảm tổng mức đầu tư nhưng còn sai sót làm tăng chi phí

(BKTO) - Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1 (QL1) tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BOT và BT (phần đầu tư theo hình thức hợp đồng BT) được xác định là công trình có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Kết quả kiểm toán của KTNN cho thấy, bên cạnh những nỗ lực làm tăng tính kinh tế của Dự án, quá trình triển khai Dự án còn nhiều sai sót, bất cập cần chấn chỉnh, nhất là trong công tác thiết kế, dự toán và nghiệm thu thanh toán.



Tổng mức đầu tư phần BT giảm hơn 1,1 nghìntỷ đồng…

Dự án được đầu tư theo Quyết định số 47/QĐ-BGTVT ngày 06/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 5,048 nghìn tỷ đồng bằng các nguồn: vốn vay, vốn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ và nguồn vốn khác do nhà đầu tư ứng. Đại diện nhà đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả.

Đánh giá về vai trò, ý nghĩa của Dự án, KTNN nêu rõ: sau khi thông xe, Dự án sẽ giúp cho việc lưu thông thuận lợi giữa miền Trung và khu vực phía Nam, nối liền Khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Vân Phong, giữa TP. Tuy Hòa và TP. Nha Trang; làm bàn đạp để phát triển kinh tế khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Với chiều dài quãng đường qua đèo giảm còn một nửa, thời gian qua đèo chỉ còn khoảng 1/4 và an toàn cho các loại xe lưu thông, Dự án đưa vào khai thác đã làm tăng hiệu quả cho các hoạt động kinh tế - xã hội liên quan. Đặc biệt, việc đưa hầm Cổ Mã vào khai thác sớm đã phát huy tác dụng, xử lý được việc ùn tắc giao thông trong mùa mưa lũ vừa qua - Báo cáo kiểm toán phát hành ngày 20/01/2017 nêu.

KTNN đánh giá, việc quản lý, xây dựng các gói thầu được nhà đầu tư và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ban quản lý dự án 85) và các đơn vị có liên quan thực hiện cơ bản đảm bảo theo các điều kiện trong hợp đồng và quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý giá. Đồng thời, do việc tổ chức quản lý Dự án khoa học đã làm tăng tính kinh tế của Dự án, nhất là việc điều chỉnh thiết kế cơ sở, giảm quy mô, làm giảm tổng mức đầu tư phần BT hơn 1.133 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng giảm hơn 500 tỷ đồng do điều chỉnh thiết kế các cầu trên tuyến từ kết cấu nhịp vòm thép sang kết cấu nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực khẩu độ 33m và điều chỉnh quy mô mặt cắt ngang nền đường từ 24m xuống 22m…

…nhưng dự toán, thiết kế chưa hợp lý làm tăng chi phí

Ghi nhận những cố gắng làm giảm tổng mức đầu tư phần BT, song đánh giá chung tổng thể Dự án, KTNN đã chỉ rõ những bất cập làm giảm tính kinh tế của Dự án. Cụ thể, theo Báo cáo kiểm toán, việc tính toán, xác định tổng mức đầu tư Dự án còn chưa hợp lý làm tăng tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 3,8 tỷ đồng. Công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự toán chất lượng chưa cao, còn tính toán sai khối lượng so với thiết kế kỹ thuật, áp dụng sai định mức, đơn giá và sai khác làm tăng giá trị dự toán tại các gói thầu hơn 45,3 tỷ đồng; trong đó sai khối lượng là 25 tỷ đồng, sai đơn giá trên 6,8 tỷ đồng, sai định mức 10,6 tỷ đồng… KTNN đã thực hiện giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện hơn 8,2 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, công tác thiết kế, điều chỉnh đoạn tuyến tại một số gói thầu chưa hợp lý cũng góp phần làm tăng chi phí. Cụ thể như giải pháp thiết kế kỹ thuật điều chỉnh đoạn tuyến Km1+643.27 đến Km1+780 được thiết kế thềm hộ đạo chắn đá tảng lăn chiều rộng từ 10-15m là chưa hợp lý, làm tăng chi phí công trình hơn 2,7 tỷ đồng; thiết kế phạm vi đào thay đất đoạn Km12+561 đến KM12+725 và Km12+727 đến Km12+851 ra ngoài phạm vi taluy đắp nền đường là chưa tuân thủ quy trình khảo sát thiết kế nền đường ô tô trên nền đất yếu, làm tăng chi phí công trình 100,6 triệu đồng.

Đáng chú ý là những sai sót trong công tác nghiệm thu, thanh toán đã dẫn đến qua kiểm toán phải giảm trừ hơn 32,5 tỷ đồng. Cụ thể, trong đầu tư xây dựng Dự án, thanh toán sai khối lượng hơn 13,1 tỷ đồng do tính trùng khối lượng đắp nền đường và do khối lượng nghiệm thu thanh toán lớn hơn khối lượng tính lại trên hồ sơ hoàn công và hồ sơ bản vẽ thi công; sai đơn giá hơn 13,4 tỷ đồng và sai khác gần 4,8 tỷ đồng. Trong đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng cho Dự án, thanh toán sai khối lượng hơn 1 tỷ đồng, sai đơn giá gần 103 triệu đồng.

Từ những tồn tại trên, KTNN kiến nghị Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, công tác quản lý tài chính, kế toán, trong đó phê duyệt lại dự toán đối với các gói thầu sai sót về dự toán theo đúng quy định hiện hành; chấn chỉnh công tác tính toán, xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác; công tác điều chỉnh một số đoạn tuyến chưa hợp lý; quản lý chi phí đầu tư chưa chặt chẽ. Đồng thời, KTNN cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải kiểm điểm, rút kinh nghiệm cá nhân, tập thể trong việc để xảy ra các sai sót này.
(Kỳ sau đăng tiếp)

ĐĂNG KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 02-11-2017
Cùng chuyên mục
Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - QL1 theo hình thức hợp đồng BOT và BT: Kỳ I - Giảm tổng mức đầu tư nhưng còn sai sót làm tăng chi phí