Xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học và danh mục nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm 2025 của Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Chiều 18/7, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Hội đồng khoa học (HĐKH) của KTNN đã họp, cho ý kiến về việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học (NCKH) và danh mục nhiệm vụ NCKH đề xuất năm 2025 của KTNN.

hdkh(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: M. Thúy

TS. Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch HĐKH của KTNN chủ trì cuộc họp.

Cùng dự cuộc họp có: Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ; GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Chủ tịch HĐKH, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc - Phó Chủ tịch Thường trực HĐKH và Văn phòng HĐKH của KTNN.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐKH Trần Kim Lộc, hiện nay, Văn phòng HĐKH đã tổng hợp được 15 đăng kí thực hiện đề tài NCKH cấp Bộ và 6 đề tài NCKH cấp cơ sở 2025 từ 11 đơn vị trong toàn Ngành.

Trong đó, có 6 nhiệm vụ NCKH cấp Bộ liên quan đến lĩnh vực hoàn thiện cơ sở pháp lý, đổi mới hoạt động kiểm toán; 05 nhiệm vụ NCKH cấp Bộ liên quan đến lĩnh vực kiểm toán môi trường; 03 nhiệm vụ NCKH cấp Bộ liên quan đến lĩnh vực kiểm toán công nghệ thông tin, công nghệ cao.

Lĩnh vực kiểm toán ngân sách nhà nước có 01 nhiệm vụ NCKH cấp Bộ và 02 nhiệm vụ NCKH cấp cơ sở; Lĩnh vực hoạt động chung của KTNN có 02 nhiệm vụ NCKH cấp cơ sở; Lĩnh vực Kiểm toán đầu tư dự án có 02 nhiệm vụ NCKH cấp cơ sở.

Tại cuộc họp, thành viên HĐKH đã thảo luận và cho ý kiến đối với các danh mục nhiệm vụ NCKH cấp Bộ, cấp cơ sở cũng như chủ đề của Hội thảo khoa học năm 2025.

Các ý kiến đều cho rằng, đối với cơ quan chuyên môn sâu như KTNN, công tác NCKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm đầu tư thực hiện, đặc biệt những nhiệm vụ nghiên cứu mang tính ứng dụng cao. Thực tế cho thấy, vẫn còn một số đề tài có tính ứng dụng chưa cao, trong khi giá trị của hoạt động NCKH là tìm ra những vấn đề mới, đồng thời đảm bảo tính ứng dụng cho hoạt động của KTNN. Do đó, việc lựa chọn, xét duyệt chủ đề, nội dung nghiên cứu và ban chủ nhiệm đề tài cần chặt chẽ, có định hướng ngay từ đầu.

Thống nhất với các ý kiến tại cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch HĐKH của KTNN Bùi Quốc Dũng cho rằng, cần đưa ra một số tiêu chí cụ thể để lựa chọn các đề tài NCKH, tập trung vào những vấn đề mới và cấp thiết đối với KTNN. Đặc biệt, cần phải quan tâm đến tính thực tiễn cũng như tính ứng dụng của các đề tài để hoạt động NCKH đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và đáp ứng tốt yêu cầu của KTNN.

Trước đó, ngày 01/4/2024, KTNN đã ban hành Công văn số 378/KTNN-TrĐT, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc KTNN và các thành viên Hội đồng khoa học của KTNN tổ chức nghiên cứu, đề xuất chủ đề hội thảo khoa học và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp năm 2025.

Công văn nêu rõ, việc nghiên cứu, đề xuất các chủ đề khoa học phải bảo đảm tính thời sự, cấp thiết, có ý nghĩa thực tiễn, được dư luận xã hội quan tâm và gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của KTNN, cần tập trung vào 04 nhóm nội dung chính, cụ thể:

Nhóm nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của KTNN gắn với quá trình hiện đại hóa ngành kiểm toán và chuyển đổi số ở Việt Nam;

Nhóm nghiên cứu về đổi mới, sáng tạo hoặc nghiên cứu mới về phương thức tổ chức các loại hình, hoạt động kiểm toán của KTNN (Cách thức tổ chức đoàn kiểm toán, xác định chủ đề, mục tiêu, nội dung, tiêu chí, thời điểm kiểm toán, phương pháp kiểm toán...) nhằm hoàn thiện các quy trình thủ tục và nâng cao chất lượng kiểm toán để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Chính phủ và xã hội;

Nhóm nghiên cứu về nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn của đội ngũ kiểm toán viên;

Nhóm nghiên cứu về gia tăng giá trị và hiệu lực, hiệu quả của kết quả KTNN./.

Cùng chuyên mục
Xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học và danh mục nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm 2025 của Kiểm toán nhà nước