Xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững thông qua chuyển đổi số

(BKTO) - “Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững” là chủ đề cuộc Hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội, chiều 27/4.

5.jpg
Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tham dự. Ảnh: BCT

Theo các chuyên gia, những năm gần đây, dưới áp lực của dịch bệnh Covid-19 cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế số và thương mại điện tử, các doanh nghiệp logistics đã dần nhận thức được vấn đề phải đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh, tối ưu hóa các dây chuyền sản xuất, cung ứng dịch vụ.

Để góp phần định hướng về chuyển đổi số nhằm phát triển việc tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hoá…

Trong bối cảnh khôi phục và phát triển dịch vụ logistics sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hiện nay, một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tạo động lực để triển khai quyết liệt hơn nữa chuyển đổi số trong ngành.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường logistics Việt Nam. Cụ thể, theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

Tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép.

Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021.

Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở Top đầu trong các thị trường mới nổi. Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những rủi ro, bất ổn về kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu.

Theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, logistics là một trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.

Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ là nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics.

Vì vậy, ngành logistics cần phải được đầu tư mạnh mẽ, nhất là phải số hóa để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối cho sự phát triển của các ngành nghề khác.

Tại Hội thảo, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội, Hội ngành hàng và doanh nghiệp cùng với các chuyên gia, viện nghiên cứu đã trao đổi, rà soát, đánh giá và đưa ra những nhận định về tình hình chuyển đổi số ngành logistics hiện nay.

Từ hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp và những kinh nghiệm được rút ra, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics thông qua định hướng về chuyển đổi số nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hoá.

Đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng chuyên mục
Xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững thông qua chuyển đổi số