Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn

(BKTO) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua chiều 11/11, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành.

1e565359938355dd0c92.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải bấm nút
biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: VPQH

Theo đó, Quốc hội quyết nghị, tổng số thu ngân sách trung ương là 863.567 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 757.177 tỷ đồng.

Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.294.067 tỷ đồng, trong đó dự toán 436.204 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên quy định trong Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2023, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2023; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư.

“Đề cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao” - Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.

Quốc hội cũng giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, kịp thời phân bổ, giao vốn để bảo đảm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn trong năm 2023; xây dựng phương án phân bổ 1.208,188 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (vốn trong nước 183,188 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.025 tỷ đồng) kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 31/3/2023.

Quốc hội yêu cầu Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiến hành kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Cùng chuyên mục
  • Vì một ASEAN tự cường, mạnh mẽ, phát triển bền vững, bao trùm
    2 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Chiều 10/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo các nước ASEAN tham dự phiên đối thoại với đại diện Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Thanh niên và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC).
  • Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất
    2 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN (ASEAN BIS), sáng 10/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia.
  • Quy định chặt chẽ, hạn chế xin - cho, trục lợi chính sách hỗ trợ hợp tác xã
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Thảo luận về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất cần có những chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn để phát triển các tổ chức kinh tế tập thể. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cần tập trung hơn, tránh dàn trải, trục lợi về chính sách…
  • Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước là chủ trương lớn, nhiệm vụ chiến lược, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, đồng thời để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận và quyết định ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về vấn đề đặc biệt quan trọng này.
  • Quốc hội quyết nghị GDP năm 2023 khoảng 6,5%
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 10/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với 465/466 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,57% tổng số đại biểu Quốc hội).
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn