Xuân về trên vùng “rốn lũ”

(BKTO) - Những ngày cuối năm, trên khắp các cánh đồng của huyện Hương Khê (HàTĩnh), bà con đang khẩn trương khôi phục sản xuất. Chỉ vài tháng sau trận lũlịch sử, những ruộng lúa bắt đầu chúm chím mạ non, những cánh đồng ngô, rau đã chuyểnmàu xanh no ấm. Người dân vùng “rốn lũ” đang rạo rực đón xuân về.



Sức sống mới sau lũ

Chúng tôi trở về Hương Khê trong những ngày cuối năm, vùng đất bị tàn phá nặng nề do trận lũ lịch sử vừa qua. Trên các mái nhà vẫn còn ngấn nước, từng khuôn mặt dãi dầu mưa nắng của người nông dân vẫn còn đọng lại sự hãi hùng, thảng thốt của cơn “đại hồng thủy”. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Công Lý tâm sự: Cách đây hơn ba tháng, các con đường đến với Hương Khê gần như bị chia cắt, 100% xã, thị trấn và các khu dân cư chìm trong biển nước. Trong vòng gần một tháng, trận lũ đã tàn phá dữ dội, gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho huyện miền núi này. Dù vẫn còn đó những khó khăn, nhưng từ sự trợ giúp của cả cộng đồng xã hội, nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và sự cố gắng của mỗi người dân, “rốn lũ” Hương Khê đang hồi sinh một cách nhanh chóng.

Trở lại Hương Khê hôm nay, chúng tôi nhận thấy, màu xanh của những ruộng ngô, khoai đã gần như phủ kín ruộng đồng từng mênh mông nước lũ. Đến nơi đâu cũng bắt gặp không khí rộn ràng, háo hức, khẩn trương lao động sản xuất khắp làng trên, xóm dưới. Niềm vui, phấn khởi ngời lên trong ánh mắt của những nông dân chân lấm, tay bùn vốn đã chịu nhiều gian khổ, đau thương, mất mát khi phải gánh chịu các trận lũ tàn khốc.

Người dân vùng lũ đang nỗ lực cải tạo đất cát, ruộng đồng để đảm bảo sau tết sẽ tự túc được lương thực và ổn định lại cuộc sống.

Đường về xã Hà Linh (một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của huyện Hương Khê) được trải dài bởi màu xanh của ngô non xen lẫn với rau màu ngắn ngày; đường làng, ngõ xóm được dọn dẹp tinh tươm. Chị Trần Thị Thu (xóm 4), thoăn thoắt tay cuốc khẩn trương chăm sóc ngô đông để dành thời gian cho vụ đông - xuân sắp tới. Chị cho biết, cơn lũ vừa qua, gia đình chị bị cuốn trôi tất cả, từ lương thực đến trâu bò. Căn nhà gia đình vừa mới xây xong cũng bị hư hỏng nặng, nhưng được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nhân dân trong cả nước cuộc sống của gia đình chị đã trở lại bình thường sau những ngày gian khó.

Trước không khí làm việc hăng say của bà con, Chủ tịch UBND xã Hà Linh Lê Xuân Phú cho biết: Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng với tâm lý sẵn sàng “đón tết trên đồng để trong nhà no ấm”, người dân Hà Linh đang nỗ lực vượt khó, cải tạo đất cát, ruộng đồng để đảm bảo sau tết sẽ tự túc được lương thực và ổn định lại cuộc sống.

Khó khăn vẫn lạc quan đón Tết

Những trận lũ hằng năm khiến người dân nơi đây lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn nhưng không vì thế mà khiến họ mất đi sự lạc quan và niềm tin yêu cuộc sống. Trong gian khó, họ vẫn đón tết cổ truyền tuy không đủ đầy nhưng trọn vẹn và ấm cúng. Anh Nguyễn Văn Kim (xóm 4) tâm niệm: “Tết là dịp để mỗi người có thể tận hưởng niềm vui theo cách của riêng mình. Còn đối với người dân vùng lũ chỉ cần trong nhà hòa thuận, sum vầy chính là điều hạnh phúc nhất của mỗi gia đình khi tết đến, xuân về! Cảm giác hạnh phúc và ấm áp ấy không mâm cao cỗ đầy hay những thứ sang trọng nào có thể thay thế được”.

Anh Ngô Đăng Lam - Cán bộ Tư pháp xã Hà Linh - chia sẻ, với dải đất miền Trung nói chung và Hương Khê nói riêng, thiên tai hầu như năm nào cũng có, nên người dân cũng phần nào quen và chủ động chống chọi, cũng như khắc phục những hậu quả của nó. Và đến thời điểm này, có một thực tế đã được chứng minh khi đối mặt với những thử thách cam go, tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó và bản lĩnh của mỗi một người dân nơi đây được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Một mùa xuân mới lại về! "Rốn lũ" Hương Khê giờ đây ngập trong sắc hoa xuân. Dù vẫn còn đó những khó khăn và mất mát, nhưng Hương Khê vẫn tiếp tục vươn mình mạnh mẽ với niềm tin về một năm mới yên vui và phát triển. Thông tin mà Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Công Lý thông báo làm chúng tôi thêm ấm lòng: “Tết này không người dân nào ở Hương Khê phải đón tết trong cảnh tạm bợ về nhà cửa. Tất cả đều được dựng lại ngay ngắn bằng tấm lòng tương thân, tương ái, sự đùm bọc, chia sẻ của đồng bào cả nước. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã quyết định cấp cho huyện 850 tấn gạo để hỗ trợ những hộ đặc biệt khó khăn, bảo đảm không có hộ nào phải thiếu đói trong dịp tết Nguyên đán”.
Bài và ảnh: LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Xuân về trên vùng “rốn lũ”