Xuất khẩu tía tô sang Nhật Bản: Hành trình gian nan, giá trị vững vàng

(BKTO) - “Gói ghém trong giá trị của từng lá tía tô xuất khẩu lên tới 700 đồng/lá phải là sự chuẩn mực đến từng chi tiết mà không phải bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể thực hiện được”. Đó là điều mà chúng tôi rút ra được khi đến thăm trang trại trồng tía tô xuất khẩu của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) vào một buổi chiều tháng 6.



Lá chuẩn kích cỡ, công nhân chuẩn kỹ thuật

Nhanh tay thoăn thoắt hái lược bớt những lá tía tô đã qua thời “bánh tẻ” được giữ lại để nuôi thân cây, cô Ngô Thị Tiệp (61 tuổi) vui vẻ cho biết: Trong mỗi buổi chiều, chúng tôi chỉ hái lược bớt lá đã già. Việc thu hoạch lá tía tô đạt tiêu chuẩn chỉ được thực hiện trong khoảng 2 tiếng của buổi sáng hàng ngày, khi trời còn rất mát.
                
   

Khu nhà kính canh tác tía tô xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Lộc

   
Đã làm cho Công ty được hơn 1 năm, cô Tiệp cho biết thêm: Thường mỗi nhánh cây, chúng tôi chỉ hái được 1-2 lá đạt tiêu chuẩn/ngày. Trong khoảng thời gian lý tưởng để thu hoạch, mỗi công nhân hái được khoảng 2- 4kg lá tía tô đạt tiêu chuẩn. Sản lượng 4- 4,5kg chỉ đạt được trong quãng thời gian cao điểm thu hoạch.

         
Kích cỡ lá tía tô tiêu chuẩn hái hàng ngày phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng, nếu khách hàng đặt loại 6cm thì chỉ lựa chọn hái loại 6cm, nếu khách hàng đặt loại 7-8cm thì công nhân chỉ lựa chọn hái theo kích cỡ đó.
Nghiêm chỉnh thực hiện theo đúng kỹ thuật hái lá đã được tập huấn, hướng dẫn khi mới vào nghề, cô Tiệp vừa trò chuyện với chúng tôi nhưng mắt vẫn không rời khỏi từng lá, nhẹ nhàng hái và đặt lá nọ lên lá kia rồi xếp nhẹ xuống xô đựng phía trước.
                
   

Cô Ngô Thị Tiệp - Công nhân hái lá tía tô. Ảnh: Hồng thoan

   
Trong khu vực 6 nhà kính của trang trại, hàng ngày có khoảng 40 - 45 công nhân thu hoạch, chăm sóc, chặt gốc, xới đất, gieo hạt gây giống, trồng cây mới, tưới nước… tùy theo từng thời điểm.

Theo các công nhân làm việc tại trang trại, vòng đời của cây tía tô khoảng 6 tháng. Cây thường rất xanh tốt và hiếm khi có sâu. Quy trình, kỹ thuật bón phân, phun thuốc sinh học được các chuyên gia Nhật Bản tập huấn kỹ càng để phân chỉ được rải dưới gốc, không để dính vào lá; lượng thuốc nếu phải phun cũng rất nhẹ và được thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia Nhật Bản; rồi cả kỹ thuật tìm và bắt sâu…

Gắn bó với Công ty ngay từ nhữnggày đầu, cô Nguyễn Thị Hiên (57 tuổi) chia sẻ: thu nhập của công nhân rất ổn định, lương 4 triệu đồng/tháng đối với công nhân đủ 26 công/tháng, nếu công nhân không muốn nghỉ vẫn có thể làm 30 công/tháng và được thưởng lương chuyên cần, nhưng nếu không đủ 26 công/tháng sẽ bị phạt.

Hoàn toàn trong một quy trình khép kín

Sau khi lá tía tô được hái trong khoảng từ 6- 8h sáng sẽ được đưa về xưởng, đổ lá khay màu đỏ (mỗi xô khoảng 2kg lá chia ra 2-3 khay) rồi phủ khăn cotton lên, để vào kho lạnh từ 4-8 độ trong khoảng 4 tiếng. Khi lá đạt độ cứng sẽ được đưa sang phòng phân loại, bó thành 10 lá/cọc cùng kích cỡ, xếp vào các khay màu vàng (mỗi khay khoảng hơn 200- 300 cọc). Tiếp đó, các khay đã bó cọc được kiểm tra và xếp theo cùng kích cỡ vào khay màu xanh, phủ khăn cotton đưa sang kho lạnh bảo quản 12- 24 tiếng rồi mới đóng thùng để xuất hàng đi bằng xe lạnh (chỉ có 5 tiếng trên máy bay là phải sử dụng đá khô để bảo quản lá mát), đảm bảo lá xuất tươi 100%.                
   

Kiểm tra 100% lá để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Lộc

   
Tham gia làm việc tại xưởng phân loại lá theo 3 kích cỡ, cô Nguyễn Thị Trúc (50 tuổi) cho biết, trung bình mỗi ca công nhân phải đạt 720 cọc (sáng 360 cọc, chiều 360 cọc). Ngày nào làm vượt có thể đạt tới 400 cọc/buổi.

Chia sẻ rằng mình rất thích làm công việc này do yêu cầu giản đơn, chỉ cần chịu khó, nhanh tay là đáp ứng được, cô Trúc nói: Thu nhập mỗi công nhân xếp lá là 5 triệu đồng tháng và cũng có thưởng chuyên cần. Công việc ổn định, chế độ đầy đủ, lương thưởng tốt, vị trí Công ty lại ở gần nhà nên rất yên tâm. Thi thoảng lại có thể tăng ca từ 1-2,5 tiếng/ngày nên có điều kiện cải thiện thu nhập hơn.
                
   

Cô Nguyễn Thị Trúc - công nhân xếp lá. Ảnh: Nguyễn Lộc

   
Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, từ hơn 1 năm trước, cô sinh viên Nguyễn Thị Tuyết Trinh (năm nay 23 tuổi) đã quyết tâm gắn bó với Công ty. Được phân công kiểm tra ngẫu nhiên các bó lá, Trinh cho biết, lá hỏng, lá dính bụi, lá bị sâu, bị thủng, bị dập… đều phải loại bỏ. Tuy nhiên, đây chỉ là khâu kiểm tra bước đầu. Ở công đoạn tiếp sau sẽ có bộ phận kiểm tra 100% từng lá một để tiếp tục loại bỏ lá không đạt yêu cầu, giúp các bó lá đảm bảo độ sạch và đồng đều hoàn toàn.

Rộng đường cho lá tía tô sang Nhật

Nhớ lại thời điểm xuất lô hàng tía tô đầu tiên sang Nhật cách đây 2 năm (ngày 20/6/2017, ông Nguyễn Xuân Bằng- Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh vui mừng chia sẻ, sản lượng và năng suất của Công ty đã tăng vượt bậc. Lô hàng đầu tiên chỉ khoảng 8-9 thùng nhỏ; mỗi thùng khoảng 8-10 nghìn lá. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Công ty có thể đáp ứng 100 thùng hoặc hơn 100 thùng/tuần tùy theo nhu cầu của khách hàng, năng lực có thể xuất từ 1-1,5 triệu lá/tuần. Hiện nay, lịch trình xuất hàng của Công ty chia làm 2 lần xuất vào thứ 2 và thứ 5 qua đường hàng không; mỗi tháng xuất 8 lần, có thể tăng lên 9-10 lần tùy theo yêu cầu của đối tác Nhật Bản.
                
   

Ông Nguyễn Xuân Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh trao đổi thông tin

   
Trên tổng diện tích 11,5 ha, Công ty đã đào hào xung quanh, làm hàng rào bảo vệ biệt lập với khu cánh đồng, nguồn nước sạch nội bộ, đảm bảo an toàn. Diện tích canh tác lá tía tô hiện nay rộng gần 6 ha và liên tục được quay vòng.

Sau khi đã được “mục sở thị” nhiều cơ sở sản xuất lá tía tô tại Nhật Bản, ông Bằng cho biết, chưa có một công ty nào ở Nhật Bản làm được một trang trại sản xuất lớn như Hồ Gươm, mà quy mô của họ thường rất nhỏ, mang tính chất hộ gia đình, rộng nhất chỉ từ 1-3 ha, bởi Nhật Bản luôn thiếu lao động, hơn nữa thời tiết ở Nhật chỉ phù hợp để làm 1 vụ/năm. Vì thế, các đối tác Nhật Bản khi tới tham quan Công ty đều bày tỏ sự ngạc nhiên và thán phục.

Tuy giá trị xuất khẩu cao với đơn giá lên tới 700 đồng/lá nhưng theo ông Bằng, hiện tại Công ty vẫn đang phải nỗ lực để trong năm 2019 có thể hòa vốn đã đầu tư gần 200 tỷ đồng, chưa tính đến khấu hao. Khó khăn là hiện hữu, nhưng Giám đốc Nguyễn Xuân Bằng vẫn rất lạc quan, ngoài 1 đối tác truyền thống, hiện chúng tôi mới có thêm 1 đối tác Nhật Bản ký kết hợp đồng đặt hàng. Để đưa được loại rau ăn sống ngay vào bàn tiệc ở Nhật Bản, tía tô Hồ Gươm đã thực sự khẳng định được uy tín và thương hiệu của mình. Không dừng lại ở đó, đối tác Nhật Bản còn yêu cầu cả những doanh nghiệp tại TP.HCM cung cấp thực phẩm sang Nhật phải lấy lá tía tô của Hồ Gươm…
                
   

Giám đốc Nguyễn Xuân Bằng dẫn lãnh đạo đoàn công tác của chúng tôi thăm nhà xưởng của Công ty. Ảnh: Nguyễn Lộc

   
Có thể nói, quyết tâm thành lập, phát triển Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh của nữ Anh hùng lao động Ninh Thị Ty - Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần khẳng định vị thế của người Việt Nam, hàng Việt Nam trên trường quốc tế khi nhìn từ mặt hàng lá tía tô rộng đường vào thị trường Nhật Bản vô cùng nghiêm ngặt và khó tính.

HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
  • Xử lý tin đồn - Doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư cần bình tĩnh, sáng suốt!
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Gần đây, thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu giao dịch. Trong bối cảnh thông tin nhiễu loạn, phức tạp, các thành viên thị trường, nhất là nhà đầu tư và DN niêm yết cần bình tĩnh để đưa ra biện pháp ứng phó hiệu quả.
  • EVN quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Giai đoạn 2019-2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hoá và thoái vốn theo định hướng của Đảng và Nhà nước, với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Đề án Tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu DN thuộc EVN giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
  • Việt Nam đang đứng trước nguy cơ  khủng hoảng tài nguyên nước
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Kết quả nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây đã xác định tình trạng ô nhiễm tài nguyên nước là mối đe dọa lớn đối với việc đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của Việt Nam. Dự báo đến năm 2035, vấn đề ô nhiễm nguồn nước có thể gây tổn thất cho nước ta khoảng 3,5% GDP mỗi năm.
  • Hệ thống cảng biển Việt Nam:  Nhiều tiềm năng nhưng chưa phát huy được lợi thế
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Việt Nam có 29/63 tỉnh, thành phố ven biển, con đường vận tải trên biển Đông với mật độ đứng thứ 2 thế giới. Vì vậy, vai trò của vận tải biển cũng như hệ thống cảng biển của Việt Nam trong phát triển kinh tế là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, để phát triển cảng biển và kinh tế biển xứng tầm với tiềm năng, cần sớm tháo gỡ những nút thắt, nhất là kết cấu hạ tầng kết nối cảng biển.
  • Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng đa phương thức
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 07/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 703/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp".
Xuất khẩu tía tô sang Nhật Bản: Hành trình gian nan, giá trị vững vàng