Cần vốn nhưng khó vay…
Dù rất muốn phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, song nhiều hợp tác xã rau an toàn thị trấn Khoái Châu (Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) như rơi vào vòng luẩn quẩn khi không đủ vốn để đầu tư kho lạnh, máy chế biến, bảo quản nông sản nhằm phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn. Tuy nhiên, khi tìm đến ngân hàng để vay vốn, đơn vị bị từ chối với lí do không có tài sản đảm bảo, cũng như không chứng minh được hiệu quả mô hình sản xuất đang theo đuổi… Trong tình cảnh đó, hợp tác xã buộc phải tiếp tục cách thức sản xuất giống như thông thường, đó là bán nông sản tươi, giá trị thấp, rủi ro cao.
Đó cũng là thực trạng về tiếp cận vốn vay mà nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp đang gặp phải hiện nay.
Theo bà Huỳnh Kim Định - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), dù đã có nhiều ưu tiên nhưng tiếp cận vốn ngân hàng trong nông nghiệp hiện nay vẫn là vấn đề còn nhiều vướng mắc. Nhiều nông dân vẫn chưa tiếp cận được tín dụng do thủ tục rườm rà, các ngân hàng khi cho vay đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo thế chấp...
Thực trạng này đã được nhiều chuyên gia nông nghiệp chỉ ra trong quá trình góp ý xây dựng Luật Hợp tác xã sửa đổi. Theo đó, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do yêu cầu tài sản thế chấp; thủ tục tiếp cận tín dụng còn phức tạp; tín dụng theo chuỗi nông nghiệp chưa được áp dụng phổ biến; khả năng xử lí rủi ro tín dụng thấp, chưa gắn với bảo hiểm nông nghiệp…
"Là lĩnh vực đang tập trung lớn lao động và được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, việc khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng sẽ kìm hãm sự phát triển của các chủ thể trong lĩnh vực này" - chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
TS. Trương Thị Thu Trang - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thông tin, đây là vấn đề chưa thể được tháo gỡ, dù Nhà nước có chủ trương và nhiều chính sách ưu đãi dành cho nông nghiệp, trong đó có vấn đề tiếp cận vốn.
“Các nông hộ nhỏ của Việt Nam và những nước đang phát triển đang phải đối mặt với nhiều hạn chế trong phát triển sản xuất, bao gồm việc khó tiếp cận tín dụng do nhiều nguyên nhân khác nhau” - TS. Trang cho biết; đồng thời lưu ý, dưới góc độ ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn khi lo ngại rủi ro với nguồn vốn cho vay mà không có tài sản đảm bảo.
Thực trạng này cũng được đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm quốc tế chia sẻ tại hội thảo về thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam diễn ra mới đây. TS Alan de Brauw - Giám đốc Dự án “Cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp” cho rằng, hiện nay để sản xuất nông nghiệp, nhất là đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng sức cạnh tranh thì nông dân, hợp tác xã cũng như các doanh nghiệp rất cần vốn đầu tư. Tuy nhiên, những mô hình tín dụng truyền thống hiện có, nhất là mô hình tín dụng dựa vào tài sản thế chấp không còn phù hợp với nông dân, khi điều kiện về tài sản sở hữu vẫn còn hạn chế.
Tập trung phát triển mô hình vay theo chuỗi giá trị…
Trong bối cảnh người nông dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và chính các cơ quan chức năng gần như “bó tay” trước những rào cản tiếp cận nguồn vốn cho nông nghiệp, thì những giải pháp mới, trong đó có mô hình vay theo chuỗi giá trị cần được đặt ra và có giải pháp thực hiện.
Nghiên cứu về mối quan hệ giữa tài chính chuỗi giá trị và phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, TS. Nguyễn Tiến Định (Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh rằng, thay vì đánh giá dựa vào tài sản thế chấp thì cho vay theo chuỗi giá trị dựa vào khả năng thanh toán của nông dân và hợp tác xã, bằng cách xem xét lịch sử sản xuất, quá trình sản xuất và khả năng giao dịch của các đối tượng.
Loại hình tín dụng theo chuỗi giá trị thể hiện một tam giác chuỗi giá trị tài chính được hình thành giữa người mua, người bán và các tổ chức tài chính, các bên tham gia trong mô hình tài chính. Qua đó đưa ra các thỏa thuận bao gồm điều kiện thông tin sản phẩm, thông tin tài chính và phương thức các bên liên lạc trao đổi thông tin cũng như cách thức vận hành rủi ro.
“Việc thực hiện các mô hình cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ góp phần hoàn thiện các Chương trình, Đề án trọng điểm mà Bộ NN&PTNT đang triển khai và thực hiện thành công Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2050” - TS. Nguyễn Tiến Định cho biết.
Tín dụng chuỗi giá trị nông nghiệp là xu hướng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, qua đó giúp giải quyết nhu cầu tài chính của tất cả các tác nhân tham gia trong chuỗi từ sản xuất, chế biến và phân phối. Thông qua tín dụng theo chuỗi, tất cả các tác nhân tham gia phải tuân thủ cam kết vì lợi ích chung để đạt được mục tiêu đề ra.
TS. Trương Thị Thu Trang
Đánh giá cao tính khả thi của mô hình cho vay theo chuỗi giá trị, bà Huỳnh Kim Định cho rằng, dựa trên hợp đồng liên kết sản xuất - thu mua nông sản và xác nhận của doanh nghiệp đầu chuỗi, các tổ chức tín dụng sẽ thanh toán các khoản đầu tư trực tiếp đến các đơn vị cung ứng vật tư tham gia liên kết (giống, phân bón…) và thanh toán trực tiếp tiền thu mua lúa của doanh nghiệp liên kết cho từng hộ nông dân. “Mô hình giúp các doanh nghiệp đầu chuỗi giảm áp lực vay vốn tín dụng để đầu tư đầu vào sản xuất và thu mua nông sản” - bà Định nêu.
Để đảm bảo cơ chế được triển khai rộng rãi, giới chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan nghiên cứu sửa đổi chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; thiết kế mô hình và xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chương trình tín dụng sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp; triển khai mô hình thí điểm tài chính chuỗi giá trị trong các Chương trình, Đề án của Bộ NN&PTNT đang triển khai, ví dụ như cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua nông sản giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân…
Nhấn mạnh vấn đề rủi ro tín dụng luôn là rào cản để ngân hàng và người nông dân chưa thể tìm được tiếng nói chung, PGS,TS. Phạm Thị Hoàng Anh (Học viện Ngân hàng) kiến nghị, từ góc độ bên cho vay, các ngân hàng cần tiếp tục thiết kế chuỗi sản phẩm đa dạng gắn với đặc thù ngành nông nghiệp; đồng thời cần đặc biệt phát triển bảo hiểm nông nghiệp cho một số sản phẩm nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung...