Cần tiếp tục kích cầu tiêu dùng, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp

(BKTO) - Hết quý I, những tín hiệu tăng trưởng kinh tế tích cực đã xuất hiện. Thế nhưng, đầu tư tư nhân và tổng cầu suy giảm, doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao của năm 2024, các chuyên gia cho rằng, một trong những ưu tiên là thúc đẩy tổng cầu và đầu tư tư nhân.

11.jpg
Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I/2024 tăng 8,2%. Ảnh minh họa

Các yếu tố của tổng cầu đang suy giảm

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I/2024 tăng 8,2%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (13,9%); loại trừ yếu tố giá, tăng 5,1% (thấp hơn mức 10,1% cùng kỳ năm 2023 cũng như giai đoạn trước dịch Covid-19). Điều này chứng tỏ sức mua vẫn thấp. Đầu tư tư nhân tăng thấp (chỉ tăng 4,2% so với mức tăng 4,9% của khu vực Nhà nước và gần 9% của khu vực FDI). Do đó, nhóm nghiên cứu của BIDV kiến nghị cần có giải pháp kích cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - quan ngại lớn nhất là đầu tư tư nhân suy giảm. Chỉ số tăng trưởng tín dụng cả quý I chỉ đạt 0,26% cũng phản ánh điều này, đặc biệt là tín dụng cho vay tiêu dùng để sửa chữa, mua nhà đã không tăng suốt từ năm 2023 đến nay. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực để gỡ về pháp lý, quy trình, giảm lãi suất cho bất động sản, yêu cầu tái cấu trúc một số tập đoàn lớn, ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội… song thị trường bất động sản phục hồi ở mức rất thấp. Thêm vào đó, từ quý I/2023 đến nay, mức tăng tiêu dùng giảm khá nhanh. Số lượng doanh nghiệp rút lui nhiều hơn số thành lập mới và quay lại thị trường. Đằng sau những con số này, “đó là vấn đề niềm tin, niềm tin của thị trường, của giới đầu tư”.

GS,TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân - cũng cho biết, qua phân tích tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023, chúng tôi cho rằng các yếu tố của tổng cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) đang suy giảm. Chính sự suy giảm đó dẫn đến tăng trưởng kinh tế suy giảm cùng với nhiều hệ lụy khác.

Cần có các giải pháp thúc đẩy tổng cầu bao gồm: Khuyến khích đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả đầu tư công, đưa đầu tư công trở thành động lực dẫn dắt đầu tư tư nhân. Việc thúc đẩy tổng cầu sẽ giúp Việt Nam không chỉ tăng trưởng kinh tế mà còn phát triển bền vững, tự chủ và tăng khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài. Đặc biệt, chúng tôi kỳ vọng môi trường kinh doanh được cải thiện hơn nữa để tạo thuận lợi kết nối đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân trong nước, từ đó có sự phối hợp, lan tỏa.

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân - GS,TS. Phạm Hồng Chương

PGS,TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - lo ngại về “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp trong nước. Trong khi tăng trưởng có xu hướng phục hồi thì số lượng doanh nghiệp rút lui lại lớn hơn số doanh nghiệp quay lại và thành lập mới, bình quân mỗi tháng trong quý I giảm 4.700 doanh nghiệp - một điều ít thấy lâu nay. Xuất khẩu quý I tăng 17%, trong đó khu vực FDI chiếm gần 73%. Như vậy, tăng trưởng vẫn tiếp tục dựa nhiều vào FDI trong khi doanh nghiệp Việt đáng lẽ phải đóng vai trò lớn hơn thì lại đang yếu dần. Để kinh tế phát triển thực sự lành mạnh, bền vững, tự chủ, không thể thiếu lực lượng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, năng động. Do đó, vấn đề cần ưu tiên hàng đầu khi bàn về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng là thúc đẩy khu vực doanh nghiệp trong nước thông qua những giải pháp như giảm mặt bằng lãi suất, giảm thủ tục hành chính...

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - khẳng định, để đạt mục tiêu tăng trưởng với kịch bản cao trong năm 2024, nền kinh tế không thể thiếu vắng động lực tăng trưởng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, không thể thiếu vắng sự hưng phấn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

“Kích” tiêu dùng và đầu tư tư nhân

Bàn về các giải pháp cho tăng trưởng thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần thiết đã được nêu trong các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, vấn đề là triển khai thực hiện. TS. Võ Trí Thành cho rằng có ba nhóm chính sách cần tập trung. Đầu tiên là tiếp tục thực hiện nhóm chính sách liên quan đến tài chính - tiền tệ để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Nhóm thứ hai là chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu cho đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai từ khi có dịch Covid và vẫn cần được tiếp tục. Cuối cùng là nhóm chính sách tạo nền tảng mới cho phục hồi và phát triển. Đây là những chính sách đã được quan tâm, xây dựng và triển khai nhưng tiến độ trên thực tế còn rất chậm. “Chúng ta đã làm chiến lược, quy hoạch, cơ chế đặc thù cho nhiều tỉnh thành. Chúng ta đang xây dựng những khung khổ pháp lý, chính sách để bắt kịp các xu thế mới, như: Môi trường kinh doanh cho kinh tế xanh, kinh tế số, thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Quá trình này gần như quyết định cho triển vọng phát triển dài hạn của Việt Nam. Chúng ta đã làm nhưng còn chậm và đặc biệt là việc triển khai rất phức tạp” - TS. Võ Trí Thành nhận xét.

Thực tế, theo PGS,TS. Trần Đình Thiên, những năm vừa qua, Chính phủ đã nhận diện được các thách thức và đã nỗ lực “khơi thông” nền kinh tế theo cả 3 tuyến. Một là phát triển giao thông với các tuyến đường cao tốc, bến cảng, sân bay… Tuyến thứ hai được khơi thông là các kênh dẫn vốn, trong đó có đầu tư công, thị trường trái phiếu, tái cấu trúc thị trường tài chính. Tuyến thứ ba, đó là nỗ lực “khơi thông” các thủ tục hành chính, vướng mắc pháp lý. Mặc dù vậy, do có các xung đột lợi ích nên quá trình diễn ra chậm, hiệu lực hiệu quả chưa như mong muốn, đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận. “Thách thức đang buộc chúng ta phải hành động, biến thách thức của quốc gia trở thành cơ hội cho doanh nghiệp Việt” - PGS,TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Xác định phía trước còn nhiều khó khăn, thậm chí “sóng bão”, tuy nhiên theo TS. Võ Trí Thành, chúng ta vẫn tin vào một kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế năm 2024. Điều quan trọng hơn là hy vọng Việt Nam sẽ tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt hơn, chất lượng hơn, cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực để bứt phá, phát triển trong giai đoạn tới./.

Cùng chuyên mục
Cần tiếp tục kích cầu tiêu dùng, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp