Ngăn tăng trưởng “nóng” của ngành hàng tỷ đô sầu riêng

(BKTO) - Từ một ngành hàng ít được biết đến, sầu riêng của Việt Nam liên tục chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát, tình trạng tăng trưởng “nóng” về diện tích sầu riêng sẽ tạo ra nhiều rủi ro, gây mất cân đối cung, cầu.

anh-bai-5207.jpg
Ngành hàng tỷ đô trước nguy cơ tăng trưởng “nóng” phát triển mạnh diện tích trồng mới. Ảnh ST

Niềm vui lớn cho kinh tế nông nghiệp

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 600 nghìn tấn sầu riêng, với kim ngạch 2,3 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc với kim ngạch đạt 2,03 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này ra các thị trường năm qua. 

Tiếp đà tăng trưởng, 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 500 triệu USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, sản lượng sầu riêng đầu năm nay tăng nhờ người trồng sầu riêng ở nhiều địa phương áp dụng thành công kỹ thuật cho sầu riêng ra hoa trái vụ.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kể từ tháng 9/2022, sầu riêng Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Từ đó đến nay, đây vẫn là thị trường chủ yếu của sầu riêng Việt Nam.

“Nhờ sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, thời gian vận chuyển đến Trung Quốc cũng nhanh hơn so với Thái Lan nên sầu riêng của Việt Nam có thể cạnh tranh tốt tại thị trường tỷ dân này” - ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết.

Trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tươi đến 24 thị trường. Nhiều thị trường đã chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể, cho thấy xuất khẩu sầu riêng vẫn còn dư địa ở những thị trường tiềm năng khác.

Trong năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang Papua New Guinea đạt giá trị 5,47 triệu USD. Bên cạnh đó, thị trường như Mỹ đạt gần 3,6 triệu USD, Canada đạt gần 2,5 triệu USD, Pháp đạt 639 nghìn USD và Ý là 353 nghìn USD... Dù những thị trường trên có giá trị không lớn nhưng cho thấy, đầu ra của sầu riêng đang trở nên đa dạng hơn rất nhiều… 

Trong khi đó, nguồn cung sầu riêng khá dồi dào, tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) ước tính, khoảng 50% diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch với sản lượng sầu riêng năm 2023 đạt gần 1,2 triệu tấn. Trong vài năm tới, khi diện tích cho thu hoạch tăng lên, sản lượng sầu riêng Việt Nam có thể tăng gấp đôi.

_dsc1933.jpg
Ông Nguyễn Như Cường. Ảnh: N.Lộc

Diện tích trồng sầu riêng Việt Nam tăng nhanh trong vài năm trở lại đây, nếu như năm 2020, tổng diện tích sầu riêng cả nước chỉ hơn 71 nghìn hécta thì đến cuối năm 2023, con số này đã hơn gấp đôi, lên mức gần 151 nghìn hécta.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt

Chú trọng chất lượng sản phẩm thay vì mở rộng diện tích

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều mặt hàng nông sản khác, sản phẩm sầu riêng của Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức khi ra thị trường. Đơn cử, thị trường xuất khẩu chịu sự cạnh tranh mạnh; khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mức độ tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất của sầu riêng Việt Nam còn nhiều hạn chế; công tác tổ chức chuỗi ngành hàng còn thiếu chuyên nghiệp...

sauriengluonezing-copy.jpg
Tập trung nâng cao chất lượng sầu riêng để tạo sức cạnh tranh, chinh phục thị trường mới. Ảnh: N.Lộc

Đặc biệt, sầu riêng Việt Nam đang đứng trước những thách thức từ việc tăng trưởng "nóng" về diện tích thời gian qua. Tại Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững diễn ra mới đây, các ý kiến cho rằng, sầu riêng Việt Nam đang tăng trưởng mạnh về xuất khẩu, lẫn diện tích trồng, song nếu không kiểm soát, tình trạng tăng trưởng “nóng” về diện tích sẽ tạo ra nhiều rủi ro trong kiểm soát chất lượng, mất cân đối cung, cầu.

“Chủ trương của Bộ là không mở rộng diện tích, đặc biệt tại những vùng thổ nhưỡng không phù hợp” - đại diện Cục Trồng trọt cho biết.

Trước tình hình diện tích sầu riêng phát triển nhanh hiện nay, lãnh đạo Bộ NNPTNT yêu cầu, các cơ quan thuộc Bộ cần phối hợp với các địa phương rà soát lại những vùng trồng, cũng như toàn bộ quy trình canh tác sầu riêng. 

Đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay để sầu riêng Việt Nam đứng vững, trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Thái Lan, Malaysia… Đây cũng là cơ sở để Việt Nam đàm phán mở rộng xuất khẩu sầu riêng sang các thị trường khác như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung

Đặc biệt, cần phải xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia mới cho trái sầu riêng tươi để có cơ sở cho các cơ quan thẩm quyền kiểm tra và xử lý vi phạm. Các địa phương phải tăng cường giám sát tất cả mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy việc hình thành các chuỗi giá trị sầu riêng bền vững trên địa bàn.

"Thực tế câu chuyện nông sản được mùa, rớt giá và giải cứu diễn ra thường xuyên. Đây cũng là bài học với quả sầu riêng mà cơ quan chức năng, các hộ trồng và doanh nghiệp cần nghiêm túc nhìn nhận" - một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết.

Nhấn mạnh sầu riêng đóng vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng thu nhập cho người trồng, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương, Thứ trưởng Hoàng Trung nhắc lại quan điểm của Bộ NNPTNT là phải chú trọng chất lượng sản phẩm làm đầu, tạo uy tín trên thị trường. 

a2-02_20230301114231.jpg
Tăng cường giám sát, đảm bảo quy chuẩn trồng, chất lượng cho sầu riêng. Ảnh ST

Theo đó, Cục Trồng trọt có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương rà soát diện tích sầu riêng hiện tại để có phương án tổ chức sản xuất hợp lý.

Các địa phương cần chủ động thực hiện tốt công tác cấp và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; khuyến khích người dân, doanh nghiệp liên kết xây dựng chuỗi cung ứng sầu riêng ổn định, mang lại hiệu quả lâu dài.

Đồng thời, các đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục phối hợp thực hiện đẩy mạnh đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xúc tiến, quảng bá sản phẩm cũng như tiếp cận thị trường... 

Cùng chuyên mục
Ngăn tăng trưởng “nóng” của ngành hàng tỷ đô sầu riêng