10 dấu ấn tiêu biểu của Kiểm toán Nhà nước năm 2017



1. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm và làm việc với KTNN

* Chủ tịch nước Trần Đại Quang:KTNN là công cụ quan trọng trong phòng, chống tham nhũng

Ngày 13/4/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm và làm việc với KTNN. Chủ tịch nước ghi nhận, những kết quả ngành KTNN đạt được đã góp phần quan trọng giúp Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổilàm việc với KTNN
Chủ tịch nước yêu cầu KTNN phải là công cụ quan trọng để phát hiện các hiện tượng, dấu hiệu tham ô, tham nhũng, không tuân thủ pháp luật về kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước. Đồng thời, KTNN cần chủ động kiểm toán những ngành, nghề, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, những vụ việc dư luận quan tâm, bức xúc để phòng ngừa, ngăn chặn và qua đó tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để phòng, chống tham nhũng, thất thoát.

Chủ tịch nước đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn với KTNN trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để KTNN nâng cao năng lực, phát huy vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị.

* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Phải đảm bảo tính độc lập của KTNNtheo quy định pháp luật

Ngày 02/02/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc với KTNN. Thủ tướng cho rằng, KTNN đã có bước trưởng thành rất lớn về mọi mặt; uy tín của KTNN ngày càng được khẳng định và nâng cao; xã hội, các cơ quan nhà nước luôn chờ đợi các kết luận, kiến nghị kiểm toán được công khai, minh bạch và chính xác.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằngKTNN đã có bước trưởng thành rất lớn về mọi mặt
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị KTNN đẩy mạnh công khai kết luận, kiến nghị kiểm toán và kỳ vọng KTNN phát huy mạnh mẽ vai trò là cơ quan bảo vệ luật pháp, bảo vệ sự liêm chính của toàn hệ thống trong quản lý tài chính công, tài sản công.

Sau buổi làm việc, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 98/TB-VPCP ngày 22/02/2017 về ý kiến kết luận của Thủ tướng, trong đó có nhiều nội dung đánh giá, đề nghị đối với hoạt động của KTNN; đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành thực hiện một số nội dung liên quan.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu: Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị của KTNN trong năm 2016; cung cấp kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan tới công tác kiểm toán, kể cả dữ liệu điện tử và việc truy cập các phần mềm cho KTNN.

Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra thuộc các Bộ, ngành, căn cứ kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra có liên quan nhằm hạn chế sự trùng lắp, chồng chéo gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp và đảm bảo tính độc lập của KTNN theo quy định của pháp luật...

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Hoạt động KTNN có nhiều tiến bộ, tăng dần tính chuyên nghiệp

Ngày 03/10/2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm và làm việc với KTNN. Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Hoạt động của KTNN luôn được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội quan tâm và ghi nhận.

Hoạt động của KTNN đã có rất nhiều tiến bộ, tăng dần tính chuyên nghiệp; chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng tốt hơn, góp phần đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc về quản lý kinh tế nói chung và quản lý tài chính, NSNN nói riêng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc
KTNN đã thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò, vị trí đã được Hiến pháp và pháp luật quy định, thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết quả, hiệu quả; giúp cho Quốc hội, Chính phủ nắm được tình hình để tăng cường chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động lập pháp và hành pháp kịp thời, sát thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý: KTNN cần tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, tổ chức thành công Đại hội Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (Đại hội ASOSAI) lần thứ 14 tại Hà Nội trong năm 2018 nhằm tận dụng cơ hội để tiếp cận nội dung, phương pháp, kỹ thuật kiểm toán hiện đại trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của cơ quan KTNN nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hànhNghị quyết về Đề án Tổng thể chuẩn bịvà tổ chức Đại hội ASOSAI 14

Ngày 25/01/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 345/NQ-UBTVQH14 về Đề án Tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14. Theo Đề án, Đại hội ASOSAI 14 là sự kiện quốc tế cấp cao có quy mô lớn, với khoảng 350 đại biểu thuộc 55 - 60 đoàn quốc tế đến từ 46 quốc gia và một số tổ chức quốc tế tham dự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Cuộc họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo tổ chức Đại hội ASOSAI 14
Đại hội dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến ngày 22/9/2018 tại Thủ đô Hà Nội. Lễ khai mạc Đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 19/9/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Nội dung chính trong Chương trình nghị sự của Đại hội bao gồm: Phiên khai mạc, phiên họp toàn thể lần thứ nhất, Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 về chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”, phiên họp toàn thể lần thứ hai, cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 52 và lần thứ 53.

Đại hội dự kiến sẽ đưa ra Tuyên bố Hà Nội nhằm tổng kết những kết quả làm việc quan trọng nhất và phản ánh cam kết, hành động của cộng đồng ASOSAI đối với các mục tiêu phát triển giai đoạn 2016-2021; đồng thời, khẳng định sự quan tâm, những nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI vào mục tiêu phát triển bền vững của thế giới nói chung và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu.

3. Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ làm việc với KTNN về những bất cập, hạn chế của cơ chế, chính sách qua kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT, công tác cổ phần hóa, liên doanh liên kết và những kết quả trọng yếu trong hoạt động kiểm toán năm 2017

Ngày 27/10/2017, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi họp Thường trực Chính phủ nghe KTNN báo cáo một số bất cập, hạn chế của cơ chế, chính sách qua kết quả kiểm toán các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT) và công tác cổ phần hóa, liên doanh liên kết.

Trạm thu phí của một dự án BOT
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và đánh giá cao báo cáo của KTNN đã phản ánh một cách độc lập, khách quan về một số bất cập, hạn chế của cơ chế, chính sách qua kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT và công tác cổ phần hóa, liên doanh liên kết trong giai đoạn vừa qua.

Nội dung báo cáo đã đề cập toàn diện các mặt tích cực cũng như những điểm còn hạn chế và “sơ hở” trong quy định của pháp luật liên quan. Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của KTNN để đề xuất sửa đổi hoàn thiện các nghị định, đồng thời triển khai các phương án xử lý kịp thời những hạn chế, yếu kém và kiểm điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện.

4. Hoàn thành toàn diện 8 mục đíchcủa Kế hoạch chiến lược Phát triểnKTNN giai đoạn 2013-2017

Kết thúc năm 2017, KTNN đã hoàn thành cơ bản, toàn diện 8 mục đích của Kế hoạch chiến lược Phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017. Kết quả đó đã tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng cơ quan KTNN có trình độ cao, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

Các mục đích của Kế hoạch chiến lược gồm: Nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của KTNN Việt Nam; Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, tính chuyên nghiệp hóa; Tăng cường năng lực của KTNN Việt Nam trong việc áp dụng thực hiện các chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAIs); Tăng cường năng lực của KTNN Việt Nam trong việc xây dựng Kế hoạch kiểm toán; Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán; Tăng cường giá trị và lợi ích trong việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công; Phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; Tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của KTNN.

5. Hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược của ASEANSAI

Ngày 05 và 06/11/2017, tại thủ đô Viêng Chăn (CHDCND Lào), Đoàn đại biểu cấp cao của KTNN Việt Nam do Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc dẫn đầu đã tham dự Đại hội lần thứ 4 của Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI).

Tại Đại hội, với cương vị Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược ASEANSAI, đại diện KTNN Việt Nam đã trình bày Báo cáo kết quả hoạt động của Ủy ban nhiệm kỳ 2015-2017 và dự kiến kế hoạch hoạt động giai đoạn 2018-2019. Báo cáo đã được các đại biểu tham dự đánh giá cao và các cơ quan KTNN thành viên nhất trí thông qua.

Trước đó, ngày 16/11/2011, tại thành phố Bali - Indonesia đã diễn ra Lễ ký thoả thuận thành lập ASEANSAI gồm cơ quan KTNN 10 quốc gia: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Phillippine, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đại hội đã tiến hành thành lập 4 ủy ban của ASEANSAI, trong đó, Ủy ban Kế hoạch chiến lược do KTNN Việt Nam làm Chủ tịch và thành viên gồm KTNN các quốc gia: Indonesia, Malaysia, Phillippine.

Trải qua liên tiếp 4 kỳ đại hội, tại Đại hội lần thứ 4 vừa qua, KTNN Việt Nam tiếp tục được tin tưởng giao phó cương vị Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược ASEANSAI giai đoạn 2018-2019.

6. Kết quả kiểm toán cao nhất với nhiều chuyên đề kiểm toán mới, phát hiện mới

Năm 2017, KTNN đã triển khai thực hiện 257 cuộc kiểm toán. Kết quả tổng hợp đến 04/01/2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 43.660 tỷ đồng (tăng thu, giảm chi cho NSNN 32.609 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 11.051 tỷ đồng), tăng 12,5% so với năm 2016, mức cao nhất trong 23 năm hoạt động.

Tổng hợp kết quả kiểm toán đến 04/01/2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 43.660 tỷ đồng
Đặc biệt, KTNN đã chú trọng kiểm toán các lĩnh vực mới, nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, như: việc giao đất có thu tiền sử dụng đất khu đô thị; việc quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản; quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương; hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư các chương trình, dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT, các dự án sử dụng vốn ODA; kiểm toán kết quả xác định giá trị DN...

Cùng với kiến nghị về xử lý tài chính, năm 2017, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng chính sách, tránh thất thoát, lãng phí; trong công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, KTNN phát hiện thừa 57.175 người và đã có kiến nghị chấn chỉnh, siết chặt quản lý; qua công tác kiểm toán xác định giá trị DNNN trước khi cổ phần hóa tại 6 DN, KTNN phát hiện, kiến nghị tăng thêm vốn nhà nước là 8.688 tỷ đồng...

7. Đưa trụ sở mới của KTNN, trang phục mới và phần mềm công nghệ thông tin mớivào sử dụng

Sau thời gian khẩn trương xây dựng, công trình trụ sở cơ quan KTNN (số 116 đường Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng cuối năm 2017. Công trình được đầu tư xây dựng mới, có quy mô 21 tầng nổi, 3 tầng hầm và 1 tầng kỹ thuật, trên diện tích hơn 4.000 m2; đáp ứng nhu cầu làm việc cho hơn 1.500 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN.

Trang phục mới củacán bộ, công chức, viên chức KTNN
Vừa qua, cán bộ, công chức, viên chức KTNN đã bắt đầu sử dụng trang phục mới theo quy định. Việc đổi mới trang phục hướng đến chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; giúp nâng cao kỷ cương, danh dự, trách nhiệm nghề nghiệp của công chức, viên chức KTNN; góp phần để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Coi đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán là ưu tiên hàng đầu, năm 2017, KTNN đã triển khai 4 phần mềm ứng dụng trong hoạt động kiểm toán và một số phần mềm khác, gồm: Phần mềm hệ cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán, Phần mềm quản lý tiến độ và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán, Phần mềm hỗ trợ lập BCKT, Phần mềm quản lý thông tin nhật ký kiểm toán và 4 phần mềm hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán theo lĩnh vực chuyên sâu (đầu tư xây dựng, DN, ngân sách, ngân hàng)...

8. Số cuộc kiểm toán đạt danh hiệu“Cuộc kiểm toán chất lượng vàng” cao nhất

Năm 2017, đã có 17 cuộc kiểm toán xuất sắc của 5 KTNN chuyên ngành và 12 KTNN khu vực đạt tiêu chuẩn “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng” của KTNN, được nhận Bằng khen của Tổng Kiểm toán Nhà nước - nhiều nhất qua các năm. Việc bình chọn và tặng bằng Bằng khen “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng” đã kịp thời động viên, ghi nhận và biểu dương các cuộc kiểm toán xuất sắc, tạo khí thế thi đua sôi nổi, ý chí quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

9. KTNN tổ chức tốt nhiều hoạt độngan sinh xã hội

Năm 2017, công tác an sinh xã hội đã được KTNN quan tâm và tổ chức thực hiện có hiệu quả, thiết thực. Cụ thể, KTNN đã xây dựng 23 nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị trên 1,3 tỷ đồng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước; tham gia đóng góp xây dựng 3 cầu giao thông nông thôn trị giá 420 triệu đồng tại tỉnh Bạc Liêu, Tiền Giang; đóng góp, ủng hộ 2,8 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội; ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ tại Sơn La, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng…

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trao quàủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ tại huyện Mường La,tỉnhSơn La
Bên cạnh đó, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Ban Chấp hành Công đoàn KTNN đã phối hợp với cấp ủy đảng và lãnh đạo các đơn vị tổ chức các hoạt động “về nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” như: tặng 20 triệu đồng bằng sổ tiết kiệm cho các thân nhân liệt sĩ tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội; tổ chức thăm, tặng quà trị giá 30 triệu đồng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; tặng quà trên 30 triệu đồng cho thân nhân liệt sĩ, các đồng chí thương binh là công chức của KTNN; tổ chức đoàn thắp hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9, nghĩa trang huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Ngoài ra, KTNN đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương tổ chức tặng 100 màn, 50 chăn ấm mùa đông, quần áo cho đồng bào vùng cao và sách, vở, đồ dùng học tập trị giá 300 triệu đồng cho các cháu học sinh nhân dịp năm học mới tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, KTNN đã phát động phong trào thi đua “KTNN chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020, qua đó chia sẻ, giúp đỡ nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, Kiểm toán viên trong thực thi nhiệm vụ.

10. Luân chuyển cán bộ đạt kết quảcao nhất

Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ thông qua việc ban hành các nghị quyết, quy định quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Thực hiện các chủ trương của Đảng và quy định pháp luật có liên quan, KTNN luôn luôn chú trọng thực hiện công tác điều động, luân chuyển cán bộ, nhất là trong 2 năm gần đây.

Ngày 06/7/2016, Ban Cán sự đảng KTNN đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 36-NQ/BCS (Nghị quyết 36) về luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với đảng viên, công chức, viên chức KTNN (gọi chung là luân chuyển cán bộ). Việc ban hành Nghị quyết 36 nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của KTNN, tạo điều kiện để cán bộ, công chức được rèn luyện qua thực tiễn và môi trường công tác khác nhau, giúp công chức trưởng thành, phát triển nhanh, toàn diện hơn; chủ động xây dựng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ nghiệp vụ sâu, có năng lực lãnh đạo, quản lý và bản lĩnh để bố trí, bổ sung tăng cường cho các vị trí, các đơn vị còn thiếu cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn tới.

Thực hiện Nghị quyết 36, năm 2017, KTNN tiếp tục sắp xếp, bố trí, quy hoạch, đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ, đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, bàn bạc dân chủ trong tập thể cấp ủy đảng và tập thể lãnh đạo, quản lý ở từng cấp. Trên cơ sở đó, toàn Ngành đã điều động và bổ nhiệm 18 công chức lãnh đạo cấp vụ; 22 công chức lãnh đạo cấp phòng; luân chuyển và bổ nhiệm 8 công chức lãnh đạo cấp vụ; điều động 27 công chức; biệt phái 2 lãnh đạo cấp phòng và 7 công chức, Kiểm toán viên; điều động ra ngoài Ngành 6 công chức và giải quyết thôi việc cho 5 công chức.

Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay, góp phần điều chỉnh cơ cấu đội ngũ cán bộ trong Ngành, tăng cường đội ngũ lãnh đạo, Kiểm toán viên cho các đơn vị còn thiếu, đồng thời rèn luyện, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ lâu dài cho KTNN.
Theo Báo Kiểm toán số Xuân Mậu Tuất năm 2018
Cùng chuyên mục
  • KTNN Việt Nam sẵn sàng với vai trò chủ nhà Đại hội ASOSAI 14
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sau 21 năm kể từ khi gia nhập Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), lần đầu tiên, KTNN Việt Nam đã trở thành SAI (cơ quan kiểm toán tối cao) chủ nhà của Đại hội ASOSAI 14 năm 2018. Nhận thức rõ niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm lớn lao này, KTNN đã và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị, với quyết tâm tổ chức thành công Đại hội mang tầm cỡ châu lục.
  • Từ tháng 9/2018, ACCA có môn thi mới
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thông tin từ Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) vừa cho biết, bắt đầu từ kỳ thi tháng 9/2018, ACCA sẽ tổ chức thi cho 2 học phần mới - Lãnh đạo doanh nghiệp chiến lược và Báo cáo doanh nghiệp chiến lược. Ngay từ bây giờ, các học viên ACCA có thể tham gia đăng ký thi các môn mới thuộc cấp độ Chuyên nghiệp chiến lược.
  • Kinh nghiệm kiểm toán dự án sử dụng vốn ODA
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Từ kinh nghiệm thực tiễn kiểm toán các dự án sử dụng nguồn vốn ODA thời gian qua, KTNN chuyên ngành IV đã chỉ ra nhiều điểm thuận lợi, nhưng cũng nêu rõ những bất cập, hạn chế; đồng thời, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán.
  • Nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng công trình
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đó là chủ đề cuộc Tọa đàm do KTNN chuyên ngành IV chủ trì mới diễn ra tại Hà Nội. Đại diện một số đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành, khu vực đã thảo luận về những vấn đề còn băn khoăn, những thách thức đối với hoạt động kiểm toán, việc phân bổ nhân sự trong Đoàn kiểm toán và đề xuất một số giải nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án.
  • Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đến thăm và làm việc với Kiểm toán Nhà nước
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sáng 21/2 (tức mùng 6 Tết), tại trụ sở KTNN 116 Nguyễn Chánh - Hà Nội, KTNN đã vinh dự được đón đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đến thăm, chúc tết và dự buổi làm việc triển khai nhiệm vụ sau Tết Nguyên đán của KTNN.
10 dấu ấn tiêu biểu của Kiểm toán Nhà nước năm 2017