11 tháng vẫn chưa phân bổ hết nguồn vốn đầu tư công

(BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, hết tháng 11/2023, vẫn còn trên 16.166 tỷ đồng vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 chưa được phân bổ chi tiết.

tien-312.jpeg
Hết 11 tháng, nguồn vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2023 vẫn chưa được phân bổ hết. Ảnh minh họa

21 Bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn

Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 11, tổng kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2023 của cả nước (gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang) là trên 831.092 tỷ đồng. So với tháng trước đó, kế hoạch vốn tăng 4.012 tỷ đồng (do các địa phương giao thêm nguồn cân đối 3.872 tỷ đồng và vốn chương trình mục tiêu quốc gia được phép kéo dài tăng 140 tỷ đồng).

Đến hết tháng 11/2023, tổng số vốn ĐTC đã phân bổ chi tiết là trên 760.061 tỷ đồng, đạt 107,32% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ (TTCP) đã giao (trên 708.252 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với kế hoạch TTCP giao là 67.976 tỷ đồng. Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương do các địa phương giao tăng, thì tổng số vốn đã phân bổ là trên 692.085 tỷ đồng, đạt gần 98% kế hoạch TTCP giao.

Hiện có 21 Bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được TTCP giao với tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết hơn 16.166 tỷ đồng (trong đó, ngân sách trung ương còn trên 11.020 tỷ đồng; cân đối ngân sách địa phương còn trên 5.145 tỷ đồng). So với số vốn chưa phân bổ của tháng 10/2023 (trên 14.188 tỷ đồng), số vốn chưa phân bổ tháng 11 này tăng do tỉnh Bình Phước điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ngân sách địa phương trên 2.000 tỷ đồng vì giảm vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất.

Bộ Tài chính chỉ rõ nguyên nhân của việc chưa phân bổ chi tiết hết nguồn vốn ĐTC.

Cụ thể, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương (gồm vốn chương trình mục tiêu quốc gia) chưa phân bổ hết là do một số dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết vốn năm 2023. Một số dự án của địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án như: dự án Hữu Nghị - Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn; dự án hầm Hoàng Liên tỉnh Lai Châu.

Hơn nữa, phần lớn kế hoạch vốn chưa phân bổ (khoảng 7.000 tỷ đồng) là do các Bộ, ngành đề nghị hoàn trả ngân sách trung ương.

Về vốn chương trình mục tiêu quốc gia, hiện các dự án đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn. Ngoài ra, số vốn 1.082 tỷ đồng mới được TTCP giao tại Quyết định số 1221/QĐ – TTg ngày 22/10 vừa qua nên một số Bộ, cơ quan trung ương chưa kịp phân bổ.

Với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, do địa phương phân bổ phụ thuộc vào khả năng cân đối và nguồn thu nên việc phân bổ phải thực hiện nhiều lần (như tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa); địa phương chưa phân bổ hết vốn từ nguồn thu sử dụng đất (Cà Mau); địa phương điều chỉnh giảm do giảm vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất (Bình Phước).

Khẩn trương hoàn thành phân bổ vốn, đánh giá khả năng thực hiện đến hết ngày 31/01/2024

Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm, trong khi tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC của cả nước vẫn đạt thấp. Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị 21 Bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương khẩn trương hoàn thành việc phân bổ kế hoạch năm 2023; đồng thời thực hiện đánh giá khả năng thực hiện đến hết ngày 31/1/2024.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ động đề xuất số vốn tiếp tục kéo dài theo quy định tại Nghị định số 40/2020/NĐ – CP của Chính phủ và theo khả năng thực hiện; tránh trường hợp đề xuất kéo dài nhưng hết thời gian quy định không giải ngân được. Hiện nay, số vốn kéo dài của năm 2022 sang năm 2023 chỉ giải ngân được khoảng trên 60% kế hoạch, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ động có phương án phân bổ kế hoạch năm 2024 ngay khi được TTCP giao, tránh trường hợp giao vốn thành nhiều lần trong năm.

Đối với nguồn vốn của các dự án giao thông vận tải, Bộ Tài chính đề nghị TTCP giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương được phân cấp làm cơ quan chủ quản xác định cụ thể mức vốn cho từng dự án thành phần cũng như nhu cầu bố trí vốn từ 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 bố trí cho 3 dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 trong từng năm 2023, 2024, 2025./.

Cùng chuyên mục
  • Hợp nhất Thông tư về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất công ty nông, lâm nghiệp
    11 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BTNMT về Thông tư quy định việc lập phương án sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; xác định giá thuê đất; giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với công ty nông, lâm nghiệp.
  • Hà Giang: Đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình
    11 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Vừa qua, tại Hà Giang, Hội nghị đối thoại và tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình với nông dân đã được tổ chức với mục tiêu tuyên truyền cho hội viên, nông dân hiểu rõ những kiến thức cập nhật về chính sách, pháp luật cũng như lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT.
  • TKV: 11 tháng năm 2023, nộp ngân sách vượt 20% so với kế hoạch năm
    11 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến điều hành sản xuất kinh doanh tháng 12/2023, hướng tới mục tiêu hoàn thành vượt kế hoạch năm 2023.
  • Doanh nghiệp lớn vẫn đối đầu với nhiều thách thức
    11 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, rất nhiều doanh nghiệp lớn ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt về doanh thu, lợi nhuận và số lượng đơn hàng 9 tháng đầu năm 2023; số doanh nghiệp có tăng trưởng nhẹ về doanh thu và lợi nhuận chỉ chiếm chưa đầy 5%.
  • Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng sôi động hơn
    11 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Hoạt động thương mại dịch vụ diễn biến khá sôi động để chuẩn bị phục vụ cho các ngày lễ lớn cuối năm và chào mừng năm mới 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 nói riêng và 11 tháng năm 2023 nói chung đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
11 tháng vẫn chưa phân bổ hết nguồn vốn đầu tư công