Năm 2019 là một năm đặc biệt quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, đây là năm bản lề, nước rút cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016- 2020 và Chiến lược 10 năm 2011- 2020. Do đó, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 không chỉ là kênh đối thoại thường niên về chính sách để Chính phủ cơ hội lắng nghe hiến kế từ đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước còn truyền cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp bước vào năm mới, sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ tạo ra được sự bứt phá cho nền kinh tế - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện |
Sau 2 kỳ tổ chức thành công (tháng 6/2017 và 01/2018), Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ ba được tổ chức vào năm 2019 đã thu hút khoảng 2.000 đại biểu tham gia các phiên hội thảo chuyên đề và đối thoại chính sách.
Trao đổi xoay quanh chủ đề của Diễn đàn năm 2019, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình, cho biết, Diễn đàn sẽ đưa ra những đánh giá, nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong trung hạn, nhất là những cơ hội, khó khăn, thách thức cùng với các kiến nghị, đề xuất chính sách làm cơ sở cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế và lãnh đạo, điều hành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và mọi người dân Việt Nam được hưởng thụ công bằng từ thành tựu đổi mới và phát triển của đất nước.
Các diễn giả, đại biểu trao đổi, thảo luận tại Phiên đối thoại |
Để Việt Nam tiếp cận, tạo nền tảng cho nền kinh tế số nhằm bắt kịp xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra một số yếu tố quan trọng, gồm: hạ tầng công nghệ thông tin mà nền tảng là mạng viễn thông tốc độ cao, băng thông rộng, phủ rộng khắp và thể hiện là mỗi người dân Việt Nam có một điện thoại thông minh, khi đó kinh tế số, ứng dụng số mới đi vào mọi ngõ ngách trong xã hôi; phải chấp nhận cái mới; tạo ra thị trường ban đầu cho các doanh nghiệp thực hiện kinh tế số; phát triển nguồn nhân lực.
Liên quan đến câu hỏi căng thẳng trong chiến tranh thương mại Mỹ- Trung có tác động, ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam, ông Cao Quốc Hưng- Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có một nền kinh tế mở. Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại hàng đầu của nước ta, trong đó Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nên Việt Nam chắc chắn chịu tác động của cuộc chiến tranh thương mại này.
Trước mắt, chúng ta có thể hưởng lợi từ hiệu ứng chuyển mua hàng của Trung Quốc và Hoa Kỳ, tuy nhiên tác động này còn phụ thuộc vào hai vấn đề: diện mặt hàng và mức thuế mà Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu của nhau; năng lực cạnh tranh và khả năng thâm nhập của hàng hóa Việt Nam đối với các nhóm mặt hàng bị áp thuế…
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn thường niên quan trọng này. Thủ tướng cho biết, trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Trong một hội nghị gần đây, Thủ tướng gọi đó là nguyên tắc “3 trong 1” của sự phát triển.
Thủ tướng nêu rõ, hơn lúc nào hết, trong bối cảnh ngày nay, chúng ta càng thấu hiểu đà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì lâu dài nếu thiếu tính bền vững. Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, ngược lại chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đó cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng ta phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau, dù là miền xuôi hay miền ngược, nông thôn, thành thị hay biên giới hải đảo. Việt Nam tăng trưởng nhanh để hội đủ các điều kiện về nguồn lực, thời gian và cả quyết tâm nhằm giải quyết rốt ráo những tồn tại, bất cập của nền kinh tế; và quan trọng hơn là bắt nhịp vào những chuyển động nhanh của cách mạng công nghiệp 4.0, của tiến trình toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư mà Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung là một điểm sáng của thế giới.
Thủ tướng cho biết, trong năm 2019, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ từ T.Ư đến địa phương, tập trung vào 3 khía cạnh lớn.
Thứ nhất là cách tư duy và tiến trình hoạch định phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm trở lại đây, trong đó phải chỉ ra được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn, cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn nghiêm túc.
Thứ hai, những khía cạnh quản trị của Chính phủ. Những mục tiêu như Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính... khó đi vào thực tiễn nếu không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba, Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sự sức bật mới cho sự phát triển. Trong đó Chính phủ xác định kinh tế số có vai trò động lực, là cỗ máy tiên phong cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.
PHÚC KHANG