Chính phủ Thụy Điển cần nâng cao hiệu quả kiểm soát hoạt động tài trợ

(BKTO) - “Cần phải tăng cường công tác kiểm soát đối với các khoản trợ cấp cho các tổ chức xã hội dân sự trong nước” - Báo cáo do Kiểm toán nhà nước Thụy Điển (SNAO) vừa công bố nhấn mạnh.

Quản lý lỏng lẻo tạo kẽ hở cho gian lận

Hiện nay, công tác kiểm soát của chính quyền trung ương đối với việc trợ cấp kinh phí cho các tổ chức xã hội dân sự tại Thụy Điển còn yếu kém.

Do đó, nguy cơ xảy ra tình trạng gian lận và lạm dụng ngân sách khá cao, dẫn đến việc các hoạt động cấp bách bị đẩy lùi và niềm tin vào các khoản tài trợ của chính quyền trung ương bị suy giảm.

foto-brenda-tekstit-1536x1024.jpg
SNAO thường xuyên tổ chức hội thảo trực tiếp và trực tuyến để nâng cao năng lực. Ảnh sưu tầm

Mỗi năm, Chính phủ phân bổ hơn 20 tỷ Karona Thụy Điển (SEK), tương đương hơn 1,95 tỷ USD, cho các tổ chức xã hội dân sự trong nước.

SNAO đã kiểm toán các khoản trợ cấp tại 4 cơ quan trung ương bao gồm: Cơ quan Bình đẳng giới, Cơ quan Hỗ trợ cộng đồng tôn giáo, Cơ quan Thanh niên và Xã hội dân sự, Ủy ban Y tế và Phúc lợi quốc gia. Các cơ quan này đã phân bổ hơn 1,4 tỷ SEK mỗi năm.

Cuộc kiểm toán của SNAO cho thấy, các cơ quan này đều không có đầy đủ các biện pháp kiểm soát cần thiết. Các cơ quan nhà nước thực hiện tài trợ chủ yếu dựa vào thông tin được cung cấp trong đơn xin tài trợ và rất ít thực hiện các chuyến khảo sát thực địa hoặc kiểm soát trực tuyến để đưa ra kế hoạch tài trợ chính xác, phù hợp nhất. Do đó, nhiều đối tượng có thể sử dụng tiền và các khoản trợ cấp vào các mục đích sai trái.

Cuộc kiểm toán cũng cho thấy công tác kiểm soát của Chính phủ còn yếu kém. Điển hình là tình trạng các khoản trợ cấp không được đưa vào các kế hoạch giám sát có hệ thống của Chính phủ nhằm phòng tránh các sai sót, rủi ro trong sử dụng quỹ công có thể dễ dàng xảy ra.

Quốc hội Thụy Điển cũng chưa có mục tiêu cụ thể nào trong các quyết định nhằm giảm thiểu tình trạng nhiều khoản thanh toán không chính xác vẫn được cấp cho các tổ chức xã hội dân sự.

SNAO nhấn mạnh, hiện nay, Thụy Điển chưa có một bức tranh tổng thể về hoạt động tài trợ, các khoản tài trợ được phân bổ cho các tổ chức xã hội dân sự chưa được theo dõi, giám sát chặt chẽ khiến các cơ quan chức năng của Chính phủ khó xác định được liệu một tổ chức có đang được tài trợ hoặc được đền bù cao quá mức hay không.

Phối hợp nhiều biện pháp để nâng cao công tác giám sát

SNAO cho rằng, các cơ quan của Chính phủ cần xây dựng một cơ sở dữ liệu trung tâm về các khoản trợ cấp dành cho các tổ chức xã hội dân sự góp phần làm tăng tính minh bạch, mang lại lợi ích cho cả các cơ quan nhà nước và các tổ chức tìm kiếm tài trợ.

Các cơ quan công cần áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro và xây dựng các phương pháp kiểm soát riêng của mình.

Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của quốc gia trong một số lĩnh vực chuyên môn nhất định như tội phạm kinh tế, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và các vấn đề dân chủ.

Ngoài ra, việc tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan chính phủ cũng được đánh giá cao, góp phần mang lại những đóng góp tích cực cho hoạt động của các tổ chức nói chung.

Cuộc kiểm toán đã đưa ra các kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ. Theo đó, SNAO kiến nghị Chính phủ cần giao nhiệm vụ cho một cơ quan phù hợp để thiết lập một cơ sở dữ liệu trung tâm bao gồm tất cả các khoản tài trợ hiện có của Chính phủ cho các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức đã nhận được sự hỗ trợ này.

Bên cạnh đó, cần giao nhiệm vụ cho các cơ quan phù hợp để thiết lập các chức năng hỗ trợ liên quan đến rủi ro trọng yếu trong việc phân bổ các khoản trợ cấp.

Các chức năng hỗ trợ phải có khả năng cung cấp cho các cơ quan cấp tài trợ những năng lực đặc biệt liên quan đến rủi ro tài chính, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và các hoạt động phi dân chủ.

Tổng Kiểm toán SNAO Helena Lindberg cho rằng: “Chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ các cơ quan nhà nước làm việc hiệu quả và tăng cường giám sát để phát hiện những sai sót có thể xảy ra”.

Chính phủ cũng được kiến nghị cần phân công nhiệm vụ cho các cơ quan cấp tài trợ xây dựng và tăng cường các biện pháp kiểm soát, ví dụ bằng cách gia tăng tần suất các chuyến kiểm tra thực địa để nhận diện sớm rủi ro, gian lận; cần giao nhiệm vụ cho các cơ quan cấp tài trợ mở rộng cơ hội cho các đối tượng được nhận trợ cấp để có thể đáp ứng mọi yêu cầu nhận trợ cấp.

Ông Leif Svensson, Trưởng đoàn kiểm toán cho biết: “Việc phân bổ các khoản trợ cấp cho các tổ chức xã hội dân sự dựa trên quy ước về lòng tin. Trong khi đó, nguy cơ gian lận và lạm dụng đã tăng lên trong những năm gần đây. Do vậy, điều quan trọng là Chính phủ cần phải tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với các khoản trợ cấp này để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách công”./.

Cùng chuyên mục
Chính phủ Thụy Điển cần nâng cao hiệu quả kiểm soát hoạt động tài trợ