Các hội nghị này là sự kiện quan trọng để Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và các đối tác trao đổi về tình hình hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và các đối tác, chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới. Trong đó, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tập trung vào việc thảo luận các ưu tiên hợp tác kinh tế năm 2017 của ASEAN; rà soát tổng thể lộ trình thực hiện các cam kết trong các Hiệp định của ASEAN; tình hình thực hiện các ưu tiên xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2017; định hướng đàm phán Hiệp định RCEP.
Tăng cường hợp tác nội -ngoại khối
Đại diện Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, trong các nội dung thảo luận, nội dung quan trọng nhất là xây dựng các cơ chế, chính sách trong khu vực giúp tạo thuận lợi cho DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ tận dụng tốt các hiệp định thương mại nội khối, vượt qua các thách thức mới khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, có tác động sâu rộng đến mọi DN.
Theo đó, để thực hiện mục tiêu hỗ trợ cho hoạt động của DN vừa và nhỏ, ASEAN tiếp tục thúc đẩy cơ chế tự chứng nhận xuất xứ toàn khu vực ASEAN, phát triển thương mại điện tử, nhân rộng và tạo thuận lợi cho mô hình kinh doanh với người có thu nhập thấp, xây dựng chỉ số thuận lợi hóa thương mại ASEAN…
Đến nay, ASEAN cũng đã xây dựng các Kế hoạch hành động chiến lược phát triển DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ cho từng giai đoạn; triển khai công tác thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) với việc các nước ASEAN-6 hỗ trợ các nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển, hướng tới một ASEAN thống nhất và phát triển đồng đều. Hiện đã có 2 Kế hoạch công tác IAI được triển khai với tổng số 615 dự án trị giá 103,1 triệu USD và Kế hoạch công tác giai đoạn III cũng đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 29.
Song song với Hội nghị AEM lần thứ 49, Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 5 đã thống nhất các yếu tố chính cần đạt được trong từng lĩnh vực để đàm phán đạt kết quả đáng kể vào cuối năm 2017 và chỉ đạo định hướng thúc đẩy đàm phán trong các lĩnh vực chủ chốt như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư.
Về hợp tác ngoại khối, các Bộ trưởng đặt mục tiêu thúc đẩy hơn nữa các khuôn khổ thương mại tự do của ASEAN với đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hồng Kông và ghi nhận tình hình hợp tác với các đối tác khác như Canada, Nga và Hoa Kỳ.
Số liệu của Ban Thư ký ASEAN cho biết, tăng trưởng GDP của ASEAN sẽ duy trì ở mức 4,8% năm 2017. Năm 2016, tổng giá trị thương mại hàng hóa của ASEAN đạt 2,22 nghìn tỷ USD, trong đó 23,5% là thương mại nội khối. Trong số các đối tác đối thoại của ASEAN thì Trung Quốc, EU và Nhật Bản là 3 đối tác thương mại hàng đầu. Tổng giá trị thương mại dịch vụ của ASEAN vẫn ổn định với 643,4 tỷ USD, trong đó 16,6% là thương mại nội khối. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đạt 96,72 tỷ USD năm 2016, trong đó 24,8% là đầu tư nội khối ASEAN.
Việt Nam đóng góp tích cực và hưởng lợi từ hội nhập
Bên cạnh các sự kiện chính, cùng với các Bộ trưởng ASEAN, đoàn Việt Nam đã có nhiều cuộc làm việc song phương với Bộ trưởng và Trưởng đoàn của các nước Malaysia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và nước chủ nhà Philippines. Tại đây, phía Việt Nam đã khẳng định những đóng góp của Việt Nam cho thành công của ASEAN sau 50 năm thành lập, đồng thời cùng các nước bàn về khuôn khổ và giải pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từng nhấn mạnh: Việt Nam luôn phát huy vai trò là một trong những thành viên tích cực trong ASEAN về thúc đẩy hợp tác kinh tế nội khối, ngoại khối và thu được những kết quả tích cực. Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN vào ngày 28/7/1995.
Sau hơn 22 năm, Việt Nam đã tham gia sâu rộng, toàn diện vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN theo phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, đồng thời có những đóng góp quan trọng cho hợp tác kinh tế ASEAN thời gian qua.
Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất trong quá trình thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015, tỷ lệ thực thi các biện pháp ưu tiên của Việt Nam là 95,5%, đứng thứ 2 sau Singapore. Là nước điều phối hợp tác kinh tế ASEAN-EU, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại hai bên, thúc đẩy khả năng tái khởi động đàm phán FTA ASEAN-EU. Việt Nam cũng được các quốc gia ghi nhận trong vai trò chủ tọa một số Nhóm Công tác trong khuôn khổ ASEAN và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối.
ASEAN là động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững thời gian qua với vị trí đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc), tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu Việt Nam - ASEAN tăng gấp 7 lần sau hơn 20 năm trở thành viên của khối này, từ khoảng 5,8 tỷ USD năm 1996 lên 41,49 tỷ USD năm 2016, chiếm tỷ trọng 11,8% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của cả nước.
HỒNG THOAN
Thoe tuần báo số ra ngày 21/9/2017