Ba Lan: Cảnh báo về thảm họa môi trường trên diện rộng tại sông Oder

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (NIK) Ba Lan đã có nhiều phát hiện kiểm toán Nghiêm trọng, cảnh báo về một thảm họa môi trường quy mô chưa từng có, sau khi thực hiện cuộc kiểm toán 20 đơn vị trực thuộc các cơ quan, Bộ, ngành có liên quan.

9.jpg
Thảm họa môi trường trên sông Oder gây ra những tác động lớn. Ảnh: ST

Nhiều phát hiện kiểm toán được chỉ ra

Xem xét trách nhiệm của 20 đơn vị trực thuộc các cơ quan, Bộ, ngành đối với tình trạng sông Oder, NIK đặc biệt chỉ trích nhiều đơn vị chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người dân quá bị động, chưa thiết lập kế hoạch quản lý khủng hoảng, chưa có các hành động phối hợp khi xảy ra thảm họa trên sông. Cuộc khủng hoảng đã bộc lộ sự thiếu quan tâm của các cơ quan nhà nước đối với tình trạng của con sông quan trọng này.

Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, người dân không được cảnh báo về việc hạn chế tiếp cận sông Oder. Trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân nhiễm độc và đánh giá hậu quả đối với sức khỏe của người dân, việc tuyên truyền thông tin cần thiết chưa được thực hiện; các cảnh báo và lệnh cấm sử dụng sông Oder bị đưa ra chậm trễ.

Các kiểm toán viên cho biết thêm, việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế theo Thỏa thuận ký kết năm 1996 chưa được tuân thủ. Ba Lan chưa thông báo kịp thời cho các nước láng giềng (Séc và Đức) về tình hình trên sông Oder để các quốc gia này chuẩn bị ứng phó với mối đe dọa trên sông.

Oder là một trong những con sông quan trọng nhất hệ thống sông Baltic, bắt nguồn từ Cộng hòa Séc và chảy qua Ba Lan. Từ năm 2022, sông Oder đã bị ảnh hưởng bởi một thảm họa môi trường với quy mô chưa từng có tại Ba Lan và châu Âu. Trong phạm vi vài trăm km, các sinh vật dưới nước chết hàng loạt, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà cả nền kinh tế Ba Lan.

Theo NIK, cuộc khủng hoảng trên sông Oder đã không được tính đến trong các kế hoạch quản lý khủng hoảng; cũng không có nghiên cứu cấp quốc gia nào về lĩnh vực sinh vật học, thủy văn học được thực hiện trước cuộc khủng hoảng. Nhóm Quản lý khủng hoảng của Chính phủ - cơ quan tư vấn do Hội đồng Bộ trưởng thành lập - đã không thực hiện các nhiệm vụ theo quy định về quản lý khủng hoảng.

Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động ứng phó không được hỗ trợ là do thiếu hệ thống báo cáo và phân tích công nghệ thông tin. Ngoài ra, do sự triển khai chậm chạp của các Bộ, ngành liên quan, như: Bộ Cơ sở hạ tầng không thực hiện các biện pháp hiệu quả và tiến hành chậm trễ các hành động trong việc quản lý nước; không giám sát, phân tích hiệu quả các hoạt động của Cơ quan Quản lý nước Ba Lan. Khi xảy ra thảm họa, Bộ Khí hậu và Môi trường cũng như Cơ quan Thanh tra của Bộ không đảm bảo việc công khai kịp thời kết quả kiểm tra, đo lường chất lượng nước sông Oder.

Cần sự chung tay của các Bộ, ngành

Các phát hiện kiểm toán trên cho thấy sự quản lý lỏng lẻo, những thiếu sót và hành động chậm trễ; cũng như những giải pháp chưa đầy đủ, hiệu quả của các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về sự an toàn của môi trường nước trên sông Oder.

Theo NIK, các quy định hiện hành không giúp giảm rủi ro và tác động tiêu cực lên môi trường nước. Các quy định chưa có sức nặng để bắt buộc các đơn vị chức năng xác định tác động tích lũy của chất ô nhiễm trước khi cấp giấy phép xả thải; các quy định đánh giá chất lượng nước được Bộ Cơ sở hạ tầng thông qua không đưa ra các chỉ số liên quan đến độ mặn của sông; chưa có quy định cụ thể liên quan đến đơn vị xin cấp phép xả thải, đến tác động tiêu cực đối với môi trường nước...

Đặc biệt, NIK cảnh báo về tình trạng thiếu hệ thống và thông tin cần thiết giữa các đơn vị chức năng; thiếu hệ thống công nghệ thông tin tích hợp để thu thập dữ liệu về đơn vị, địa điểm xả thải, về lượng chất ô nhiễm thực tế, tình trạng nước, bao gồm cả điều kiện khí tượng thủy văn hoặc kết quả kiểm tra, phân tích và kiểm soát.

Trên cơ sở các phát hiện, NIK đã đưa ra các kiến nghị kiểm toán, trong đó nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ cần xem xét và đánh giá các cơ chế quản lý nước để đảm bảo việc giám sát, bảo vệ nước hiệu quả; cần chỉ đạo Trung tâm Phân tích của Chính phủ tham gia xây dựng các đề xuất nhằm giảm độ mặn của nước do hoạt động khai thác mỏ gây ra; thành lập một hệ thống hỗ trợ nhằm quản lý khủng hoảng trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Cơ sở hạ tầng cần thực hiện các hành động nhằm đảm bảo các cơ quan cấp phép xả thải tiến hành đánh giá tác động tích lũy của việc xả nước thải; nhằm giảm khả năng tăng độ mặn của nước; đảm bảo đủ thông tin về kết quả kiểm tra, đo lường nước và xả nước thải, cũng như các hành động được thực hiện trong quá trình thực hiện kế hoạch quản lý nước. Bên cạnh đó, cần làm rõ các điều khoản về việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa Bộ Cơ sở hạ tầng, Cơ quan Thanh tra Bộ Khí hậu và Môi trường, Cơ quan Bảo tồn thiên nhiên, Cơ quan Quản lý nước Ba Lan./.

(Theo NIK và tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Ba Lan: Cảnh báo về thảm họa môi trường trên diện rộng tại sông Oder