Bài cuối: Kỳ vọng từ Phiên giải trình

(BKTO) - Lần đầu tiên, Phiên giải trình về tình hình thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) được tổ chức, song kết quả từ Phiên giải trình đã mang lại hiệu ứng tích cực, tác động mạnh mẽ đến các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương. Đây vừa là động lực, đồng thời cũng mở ra kỳ vọng thúc đẩy việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Khẳng định giá trị, vai trò của kiến nghị kiểm toán

Chia sẻ tại Phiên giải trình “Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ các kết luận, kiến nghị của KTNN được thực hiện tăng lên qua hằng năm. Đặc biệt, năm 2022, số lượng kết luận, kiến nghị của KTNN được thực hiện có mức tăng cao - tăng 13% so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2023, các kết luận, kiến nghị của KTNN được triển khai tới hơn 60%, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. "Kết quả này có được một phần là do kế hoạch giải trình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã góp phần đôn đốc các địa phương, cơ quan thực hiện tốt hơn" - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Chia sẻ bên lề Phiên giải trình, nhiều đơn vị bày tỏ kỳ vọng, sau khi nhận diện rõ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, giám sát, các kiến nghị tồn đọng sẽ sớm được xử lý dứt điểm. Ông Phạm Thanh Bình - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long - khẳng định, các kết luận, kiến nghị kiểm toán luôn được lãnh đạo Ban chỉ đạo các đơn vị, các nhà thầu thực hiện nghiêm ngay sau khi nhận được thông báo kết luận kiểm toán của KTNN. Đặc biệt, với sự quyết liệt đôn đốc, rà soát của KTNN, Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo, Ban đã rà soát, yêu cầu các nhà thầu thực hiện thêm số lượng lớn các kiến nghị tồn đọng.

6-quang-canh-phien-gia-trinh.jpg
Quang cảnh phiên giải trình

Chung ý kiến, đại diện Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải), cho rằng, những vấn đề được thảo luận, trao đổi tại Phiên giải trình đã phản ánh rất đúng và trúng thực tiễn. Những năm gần đây, Ban Quản lý dự án 2 đã thực hiện rất nghiêm túc, đầy đủ kiến nghị của KTNN, số tồn đọng rất ít. Nhưng trong đó có những kiến nghị đã tồn đọng nhiều năm không thực hiện được do những nguyên nhân khách quan như: Lũ lụt, nhà thầu nước ngoài mang hồ sơ về nước... không còn đủ hồ sơ, chứng từ... Qua Phiên giải trình, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sẽ có hướng xử lý phù hợp nhằm giải quyết dứt điểm những kiến nghị này.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán

Để kiến nghị kiểm toán không bị tồn đọng kéo dài, theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, KTNN cần vào cuộc sớm, ngay từ những khâu đầu triển khai dự án. Điều này không chỉ giúp phát hiện sớm và chấn chỉnh kịp thời các sai sót mà việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán cũng thuận lợi hơn rất nhiều khi dự án đang thực hiện, hợp đồng chưa kết thúc. Bởi trên thực tế, một số dự án đã hoàn thành và quyết toán trước khi KTNN vào kiểm toán nên việc giảm trừ thanh toán và thu hồi nộp ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Một số ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra, công tác xác nhận, ghi nhận việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN còn chậm; sự phối hợp giữa KTNN với các cơ quan chức năng trong kiểm tra thực hiện các kết luận, kiến nghị chưa thường xuyên, chặt chẽ. Việc giải quyết khiếu nại, giải trình của đơn vị trước, sau khi có kết luận kiểm toán trong một số trường hợp chưa được kịp thời, triệt để; chưa có chế tài đủ mạnh với đối tượng kiểm toán không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Phiên giải trình khép lại với nhiều vấn đề đặt ra không chỉ là trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán; là những vướng mắc, bất cập được kiến nghị và chờ cơ quan có thẩm quyền có giải pháp xử lý mà quan trọng hơn, những phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị sẽ là căn cứ, cơ sở để KTNN “soi” lại toàn bộ hoạt động của mình từ khâu tổ chức, triển khai hoạt động kiểm toán cho đến công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Sức mạnh của KTNN chính là thu hút được sự quan tâm chú ý của các cơ quan dân cử, dư luận và công chúng. Do vậy, nếu thông tin được công khai sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện các kết luận, kiến nghị.

TS Lê Đình Thăng- Kiểm toán trưởng KTNN 

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, thì việc tăng cường công khai, minh bạch kết quả kiểm toán, việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một “vũ khí” hiệu quả. Về vấn đề này, TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - từng nhấn mạnh, sức mạnh của KTNN chính là thu hút được sự quan tâm chú ý của các cơ quan dân cử, dư luận và công chúng. Do vậy, nếu thông tin được công khai sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện các kết luận, kiến nghị. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật để các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân hiểu biết về pháp luật, tăng cường thực thi pháp luật. KTNN cũng cần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán để đảm bảo các kết luận, kiến nghị chính xác, có tính khả thi cao. Định kỳ, KTNN cần có bộ phận rà soát và loại bỏ những kiến nghị không phù hợp, đồng thời theo đuổi một cách tích cực đối với các kiến nghị có tính khả thi cao nhưng chưa được thực hiện.

Kết quả kiểm toán cũng như kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán cần phải được công khai, không chỉ để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội biết, mà cần công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tất cả mọi người đều biết, theo dõi, góp ý; để những vấn đề vướng mắc, bất cập, sai phạm được chấn chỉnh một cách kịp thời, hiệu quả. Trong thời đại kỹ thuật số, cơ quan kiểm toán cần đẩy mạnh việc dùng công nghệ mới, kỹ thuật số trong hoạt động kiểm toán và kiểm soát, theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính- ngân hàng

Ngoài ra, các ý kiến còn nhấn mạnh, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN đã quy định rõ việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Đây là một trong những công cụ mà KTNN cần phát huy trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Từ kết quả Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết sẽ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện các kết luận của KTNN. Đồng thời, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách làm việc với KTNN, các Bộ, ngành, các địa phương để tiếp tục giám sát, hoàn chỉnh các số liệu để tổng hợp báo cáo Quốc hội khi xem xét, phê duyệt quyết toán năm 2022./.

Cùng chuyên mục
Bài cuối: Kỳ vọng từ Phiên giải trình