Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực văn hóa

(BKTO) - Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) hiện là một trong những lĩnh vực có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Trước thực trạng đó, các ý kiến cho rằng, toàn Ngành, đặc biệt là Bộ VHTTDL cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch được giao.

de20947bc3771d294466.jpg
Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh sưu tầm

Ì ạch trong giải ngân vốn

Kế hoạch vốn năm 2023 tỉnh Quảng Trị được giao là hơn 3.089 tỷ đồng, ước giải ngân đến hết ngày 31/3/2023 mới chỉ đạt 5,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi đó, tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công lĩnh vực văn hóa, xã hội là 88,362 tỷ đồng, đạt 13,49% kế hoạch.

Dù mức giải ngân của lĩnh vực văn hóa đang cao hơn so với bình quân chung của tỉnh, song Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lê Minh Tuấn thừa nhận, mức giải ngân này vẫn còn thấp, chưa tương xứng với kỳ vọng, trong khi các công trình văn hóa trên địa bàn còn rất thiếu thốn. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng và đặc thù của dự án lĩnh vực văn hóa.

Đây cũng chính là thực trạng chung của ngành VHTTDL, từ đó dẫn đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công của ngành được xếp vào nhóm Bộ, ngành thấp nhất hiện nay. Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, qua báo cáo từ các địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực văn hóa thời gian qua cho thấy, việc giải ngân vốn cho các công trình, dự án văn hóa luôn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, các công trình văn hóa có những đặc thù riêng và việc phải nghiên cứu kỹ quy định, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để đầu tư cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án, cũng như tiến độ giải ngân vốn.

Thông tin cụ thể hơn về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ VHTTDL) Lê Hồng Phong cho biết, đối với các dự án đầu tư do Bộ quản lý, để giải quyết triệt để, dứt điểm, lãnh đạo Bộ chỉ đạo tập trung nguồn lực hoàn thiện các công trình, dự án còn dang dở. Đơn cử, Dự án cải tạo, nâng cấp Thư viện Quốc gia Việt Nam kéo dài từ năm 2022 đến nay đã được hoàn thiện về khối lượng và đang được các đơn vị phối hợp hoàn thành nốt việc giải ngân vốn. Đối với các công trình, dự án trong kế hoạch đầu tư năm 2023 đã được giao vốn, Bộ yêu cầu các chủ đầu tư tích cực triển khai trên tinh thần tuân thủ nghiêm các quy định, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, có xét đến đặc thù dự án. “Có công trình, dự án sử dụng nguồn vốn công đang trong quá trình lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa hoặc công trình kiến trúc đều có yêu cầu đặc thù, không thể ứng xử như công trình dân dụng khi tiến hành xây dựng, cải tạo” - ông Phong cho biết.

Tăng cường đôn đốc, giám sát

Chỉ ra hàng loạt những khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải ngân vốn đầu tư công, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng lúc này là cần tăng cường vai trò chỉ đạo, đôn đốc, giám sát của cơ quan chức năng trong quá trình triển khai giải ngân, tránh tình trạng đùn đẩy khi thực hiện nhiệm vụ.

Nhấn mạnh việc thực hiện tốt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần mang lại lợi ích thiết thực trước mắt cũng như về lâu dài, các chuyên gia cho biết, Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách nhà nước, trong đó đã quyết định số vốn ngân sách trung ương đầu tư phát triển văn hóa là 9.466 tỷ đồng (đầu tư tại các Bộ, ngành là 4.445 tỷ đồng; đầu tư tại địa phương 5.021 tỷ đồng), gấp 2,26 lần so với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. “Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước trong nỗ lực phát triển văn hóa. Do đó, trách nhiệm của toàn ngành VHTT&DL là phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, hiện thực hóa nỗ lực chăm lo cho sự nghiệp phát triển văn hóa” - PGS,TS. Tô Trung Thành (Viện Nghiên cứu và Kinh tế chính sách) cho biết.

Nhấn mạnh vai trò chỉ đạo, giám sát của các cơ quan chức năng trong việc triển khai dự án đầu tư công lĩnh vực văn hóa, PGS,TS. Tô Trung Thành cho rằng, trước hết, các Bộ, ngành chủ quản, các địa phương cần phải tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị có liên quan tập trung vào thực hiện kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt, trong đó, chú trọng vào việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc kịp thời các đơn vị để tháo gỡ vướng mắc, phát sinh. Về lâu dài phải làm tốt từ giai đoạn thực hiện chủ trương đầu tư.

Đồng quan điểm, PGS,TS. Đinh Thế Hùng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, khi có sự vào cuộc, nêu cao trách nhiệm từ chính cơ quan quản lý nhà nước và các chủ đầu tư, tình hình giải ngân vốn sẽ có chuyển biến. Đơn cử, sau khi các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Chính phủ đồng loạt kiểm tra, đôn đốc giải ngân, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của các Bộ, ngành, địa phương đã có sự tiến bộ rõ rệt. Do đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp để chấn chỉnh tình trạng người được giao nhiệm vụ sợ trách nhiệm, ngại khó dẫn đến ảnh hưởng đến hiệu quả giải ngân vốn; đồng thời đề nghị cần coi kết quả giải ngân là tiêu chí cứng để đánh giá thi đua với các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát các chủ đầu tư, đơn vị có liên quan, đặc biệt là vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm toán đối với dự án. Bởi, thông qua việc kiểm tra, giám sát sẽ giúp kịp thời phát hiện, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân; đồng thời đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực công được đầu tư./.

Bộ VHTTDL còn tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao (khoảng 87%) và là một trong những Bộ chưa thực hiện giải ngân trong qúy I. Hiện, tỷ lệ giải ngân của Bộ cũng chỉ đạt khoảng 0,25% - mức thuộc nhóm thấp nhất trong số các Bộ, ngành Trung ương.

Cùng chuyên mục
  • Doanh nghiệp Việt Nam - Liên minh châu Âu tăng cường hợp tác xuất khẩu nông sản
    11 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) Vừa qua, Thứ tưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Thanh Nam đã có buổi gặp mặt và làm việc với ông Gabor Fluit Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam. Nhân dịp buổi làm việc, hai bên đã chia sẻ góc nhìn và đưa ra các ý kiến đề xuất nhằm thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết xuất khẩu nông sản giữa doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh châu Âu.
  • Tập trung giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công
    11 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Kết thúc quý I/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đạt mức cao so với bình quân của cả nước. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NNPTNT - đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về kết quả đáng khích lệ này, cũng như giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả dự án đầu tư công trong thời gian tới.
  • Xây dựng chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, cạnh tranh, minh bạch
    11 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Cùng với việc khuyến nghị áp dụng chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam cần nhìn nhận chính sách ưu đãi đầu tư là vấn đề cần tập trung trong thời gian tới để có giải pháp tốt nhất nhằm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, đảm bảo vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư.
  • Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài giảm 53,2%
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 4 tháng đầu năm 2023, có 41 dự án đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư.
  • Gần 8,88 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài tính đến gần cuối tháng 4/2023 đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực văn hóa