Bất cập hay tư duy cũ trong cơ chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

(BKTO) - Tại cuộc họp chiều 24/02, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp đúng quy định pháp luật, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động; trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.



Ngày 25/02, Bộ Tài chính cho biết đã phân công cho Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với một số cục, vụ liên quan rà soát, tìm cách tháo gỡ vướng mắc về ngân sách cho ngành đường sắt theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Trước đó, ngày 17/02, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) từ Ủy ban về trực thuộc lại Bộ GTVT, báo cáo Thủ tướng phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.

Theo VNR, tháng 11/2018, Bộ GTVT đã bàn giao VNR về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện nay, VNR không được giao công tác bảo trì, nâng cấp, trong khi vẫn được giao quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đường sắt quốc gia. Từ ngày 01/01/2020, các DN công ích thuộc VNR đang thực hiện dịch vụ công ích của ngành (tuần đường, gác chắn, duy tu, bảo trì, sửa chữa nhỏ...) mà không có kinh phí, không được ký hợp đồng. VNR đang phải vay ngân hàng để trả lương công nhân của các DN này. Theo Luật định hiện hành, kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc sự quản lý của Bộ GTVT. Tình trạng này dẫn đến Bộ GTVT vướng Điều 49, Luật Ngân sách nhà nước về phân bổ và giao dự toán NSNN, không thể giao dự toán ngân sách năm 2020 cho VNR thực hiện dịch vụ công ích hằng năm. Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chưa “phủ” được hết những khó khăn này. Bởi vậy, VNR kiến nghị cấp trên cho phép được quay trở lại trực thuộc Bộ GTVT để tiếp tục cơ chế cũ; đồng thời cấp trên sớm giao gói 7.000 tỷ đồng cho VNR để hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các dự án cấp bách của ngành theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH13 ngày 31/7/2018.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, các quy định pháp luật đã có đầy đủ. Ngân sách đã được Bộ GTVT phân bổ, dự toán, giao Cục Đường sắt xử lý. Cục đã mời lãnh đạo VNR tới 4 lần lên Cục để bàn ký hợp đồng giải ngân vốn, song lãnh đạo VNR không lên. Lỗi ở đây là do VNR, chứ không phải của Nhà nước. Thủ tục ký hợp đồng, trình tự ra sao, vướng mắc gì, thì Bộ GTVT cần xem xét để sửa đổi quy chế, quy định cho phù hợp. Trường hợp vượt thẩm quyền, phải sửa nghị định để đảm bảo thông thoáng hơn, thì Bộ GTVT phải trình Thủ tướng tháo gỡ…

Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, vướng mắc ở đây là do VNR, chứ không phải của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Từ khi chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VNR không chịu thay đổi để phù hợp với các quy định mới, không đổi mới mô hình tổ chức theo các quy định của Luật, mà chỉ muốn sửa Luật để phù hợp với chính hoạt động của họ…

Vậy là đã khá rõ, điều trước mắt cần làm để có kinh phí duy trì bảo đảm an toàn hoạt động của đường sắt quốc gia là sự hợp tác nghiêm túc của Cục Đường sắt và VNR với Bộ GTVT và Cục Tài chính doanh nghiệp, để ký hợp đồng giải ngân vốn đã có theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Cơ quan nào không làm đúng, thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm chính. Đặc biệt, cần có báo cáo giải trình và tổ chức thanh tra công vụ khách quan, xử lý nghiêm các sai phạm, ngăn ngừa tình trạng tùy tiện biện minh, đổ lỗi cho pháp lý, lại càng không được phép lấy sự an toàn đường sắt và sinh mạng hành khách làm con tin gây sức ép với Chính phủ, vì ngại thay đổi chính mình hoặc vì “lợi ích nhóm”…

Trên hết, cần thay đổi tư duy để dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập theo thông lệ quốc tế, cũng như cần có cơ cấu nhân sự lãnh đạo đủ “tâm và tầm” trong quản lý vốn nhà nước tại các DNNN. Đồng thời, sớm hoàn thiện cách thức thực hiện nhiệm vụ để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm mục tiêu tách bạch việc quản lý nhà nước ra khỏi chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN.

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Sáng suốt trước dịch nCoV
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Khởi phát từ đầu năm 2020, đến nay, dịch nCoV 2019 (vừa được Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên chính thức là COVID-19) đã lan rộng ra hơn 20 quốc gia trên thế giới và khiến hơn 40.000 người nhiễm bệnh, gần 1.000 người tử vong, chủ yếu tập trung tại Trung Quốc. Do chưa thể dự báo được diễn biến của dịch nên việc đánh giá tác động, dự báo tình hình cũng như đề xuất giải pháp, chính sách khắc phục hậu quả và vượt qua dịch bệnh gần như là bất khả thi.
  • Thước đo sự lãnh đạo thành công
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Dấu ấn lịch sử sâu đậm và quan trọng nhất mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử trong sự lãnh đạo kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam là khởi xướng, sáng tạo và lãnh đạo công cuộc đổi mới, mà trước hết là “đổi mới về tư duy kinh tế”.
  • Xuân mới - Tâm thế mới và năng lực mới
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngay từ đầu năm 2019, Kế hoạch kiểm toán đã được ngành KTNN chủ động xây dựng minh bạch, chi tiết các đầu mối kiểm toán, giảm thiểu sự chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và thanh tra. Trong năm qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc quyết liệt, kịp thời trong hoạt động kiểm toán.
  • Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần giải pháp quyết liệt, đột phá hơn
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính: Trong năm 2019, có 9 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH); trong đó chỉ có 3 đơn vị thuộc Danh mục Doanh nghiệp cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.
  • Triển vọng kinh tế số ở Việt Nam
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm, mục tiêu ưu tiên và động lực phát triển mạnh mẽ hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới. Phát triển công nghệ và công nghiệp ICT - hạt nhân của chuyển đổi số - sẽ góp phần đưa Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình.
Bất cập hay tư duy cũ trong cơ chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp