Tính đến nay, KTNN đã hoàn thành 248/290 báo cáo kiểm toán theo kế hoạch. Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến nay là 72.837 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 10.276 tỷ đồng, giảm chi NSNN 16.829 tỷ đồng, kiến nghị khác là 45.732 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản (09 nghị định; 24 thông tư; 09 nghị quyết, 40 quyết định và 72 văn bản khác), nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân. Qua kiểm toán, KTNN cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán...
Tuy nhiên, năm 2019, cơ sở pháp lý trong hoạt động kiểm toán còn hạn chế, chưa có chế tài xử phạt các hành vi cản trở hoạt động kiểm toán, không cung cấp hồ sơ tài liệu, quyền xác minh hồ sơ tài liệu, cung cấp dữ liệu điện tử...
Theo Quyết định số 1866/QĐ-KTNN ngày 28/11/2019 của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Kế hoạch kiểm toán năm 2020 của KTNN giảm khoảng 20% số cuộc kiểm toán so với năm 2019, còn 158 cuộc kiểm toán. KTNN bước vào năm mới với tâm thế mới, năng lượng mới mạnh mẽ hơn bởi những nỗ lực tiếp tục đổi mới hoạt động, nâng cao bản lĩnh, kỹ năng và chất lượng hoạt động của bản thân ngành kiểm toán. Đặc biệt, tâm thế mới, năng lượng mới còn được cộng hưởng với công cụ pháp lý mới đó là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN (vừa được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019 và có hiệu lực từ tháng 7/2020). Trong đó, Luật đã có nhiều bổ sung quan trọng về: xác định nhiệm vụ, mục tiêu của KTNN; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán; quyền được truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán; quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; quyền quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán nhà nước; phòng, chống tham nhũng trong cơ quan KTNN theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền của công chức, viên chức thuộc KTNN.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi cũng đòi hỏi KTNN tuân thủ nghiêm ngặt hơn các yêu cầu mới về kiểm soát chất lượng kiểm toán, nhằm bảo đảm mọi hoạt động kiểm toán đều được kiểm tra, soát xét về chất lượng; về khiếu nại hành vi của thành viên đoàn kiểm toán, cũng như về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán...; về trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ để xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán…
Xuân mới đang về! Kỳ vọng với tâm thế mới và năng lực mới đó sẽ giúp KTNN quyết tâm hơn và tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, hoàn thành mọi nhiệm vụ và trọng trách được giao phó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, giảm nợ công, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2020 và giai đoạn tới.
TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế