Vượt qua những thử thách chưa từng có tiền lệ lịch sử và vượt qua chính mình, Đảng đã quyết tâm xây dựng mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam là phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT; hướng tới mục tiêu phát triển lấy con người làm trung tâm, vừa là mục tiêu vừa là động lực vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước đi và từng chính sách phát triển.
Vượt qua những tư duy cố hữu, cực đoan, Đảng đã cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân và xác định kinh tế tư nhân có vị trí quan trọng lâu dài, là một bộ phận cấu thành và động lực quan trọng của nền kinh tế trong nền KTTT định hướng XHCN.
Dấu ấn sự lãnh đạo của Đảng thể hiện cụ thể qua những thành tựu kinh tế to lớn được dư luận trong và ngoài nước ghi nhận. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã mở cửa, trở thành thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhiều tổ chức quốc tế khác, tham gia nhiều định chế thương mại tự do, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, trở thành đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, từng bước mở rộng hội nhập vào tất cả các lĩnh vực: chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa - xã hội…
Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến năm 2019, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên Hợp Quốc (so với 11 nước năm 1954); có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực; có 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền KTTT…
Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%, thì giai đoạn 1991-1995, mức tăng trưởng này đạt 8,2%/năm; giai đoạn 1996-2000 đạt 7,6%/ năm; giai đoạn 2001-2005 đạt 7,34%; giai đoạn 2006-2010 đạt 7%/năm; giai đoạn 2011-2015 đạt 5,9%/năm và GDP năm 2017 tăng 6,71%; năm 2018 đạt 7,08%. Riêng năm 2019, GDP tăng 7,02% và quy mô nền kinh tế đạt hơn 262 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đã lên gần 2.800 USD; tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% so với 53% năm 1993... Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP),Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số Phát triển con người (HDI) năm 2019 là 0,63, xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước tức nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới. Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018; năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.
Dấu ấn và sự thành công trong sự lãnh đạo phát triển kinh tế của Đảng trước hết và xuyên suốt được bảo đảm bằng sự vững vàng trên nền tảng lý luận đúng đắn, định hướng tầm nhìn và khát vọng phát triển cho dân tộc, trên nguyên tắc lấy thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, phản ánh quy luật phát triển ở Việt Nam và khai thác có hiệu quả những thành tựu phát triển của thế giới, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiến bộ của nhân loại về phát triển toàn diện con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, do con người và giải phóng con người... phù hợp với triết lý phát triển của dân tộc Việt Nam và với bản chất nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt, mức độ thành công trong lãnh đạo kinh tế của Đảng tỷ lệ thuận với tinh thần cách mạng và quyết tâm chính trị trong triển khai đổi mới có hiệu quả tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; xây dựng Đảng vững mạnh gắn liền với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, tuyệt đối trung thành với lợi ích quốc gia và lý tưởng của Đảng.
TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế