Trọng tâm chính sách và chỉ đạo điều hành của Chính phủ lúc này là tập trung toàn lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh, cả ảnh hưởng vật chất, tài chính lẫn tinh thần chứ không phải là bàn chuyện điều chỉnh hay không các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô hay nới lỏng chính sách tài chính - tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hay đa dạng hóa thị trường, cả thị trường xuất khẩu và nhập khẩu... Mọi đề xuất chỉ thực sự sáng suốt sau khi đã có những đánh giá toàn diện và có căn cứ từ thực tế cuộc sống, mà điều đó chỉ có sớm nhất là cuối quý I/2020. Từ nay đến đó, chúng ta nên xây dựng khung phân tích đánh giá tình hình đồng thời chuẩn bị các kịch bản đối phó nhằm nắm thế chủ động trong mọi tình huống, đặc biệt khi chiếc hộp pandora dịch bệnh vẫn ẩn chứa không ít điểm đen thông tin. Theo đó, những nội dung trọng tâm là:
Thứ nhất, nCoV tác động trực tiếp đến các ngành dịch vụ, nhất là du lịch và vận tải hàng không chưa kể dịch vụ ăn uống và thương mại hàng hóa. Các chỉ tiêu về biến động khách du lịch, không chỉ khách du lịch quốc tế mà cả du lịch trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng như lưu lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa cần được thu thập và phân tích thật chi tiết, kỹ lưỡng, đồng thời phân tích rõ tác động của nCoV đến các chỉ tiêu đó. Ngoài ra không thể bỏ qua đánh giá tác động đến các lĩnh vực có liên quan đến dịch vụ, chẳng hạn như: bất động sản du lịch, cơ sở hạ tầng thương mại, lao động trong các ngành dịch vụ, vốn đầu tư và dòng tiền của các cơ sở kinh doanh dịch vụ...
Thứ hai, nCoV không tác động trực tiếp và nặng nề tới khu vực công nghiệp và nông nghiệp như đối với khu vực dịch vụ song ảnh hưởng tiêu cực là không thể phủ nhận. Trước hết là sự đình trệ sản xuất của Trung Quốc do dịch bệnh khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng và chưa biết đến bao giờ được phục hồi trở lại. Theo đó, thương mại và sản xuất kinh doanh toàn cầu nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng chịu tác động chưa từng thấy kể cả từ thời kỳ khủng hoảng châu Á 1997-1999 hay khủng hoảng toàn cầu 2008-2009. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam nên nCoV chính là phép thử khắc nghiệt đối với tuyệt đại đa số nhà sản xuất Việt Nam, không kể thuộc ngành công nghiệp hay nông nghiệp. Biến động dữ dội của các yếu tố đầu vào lẫn đầu ra sẽ chỉ bộc lộ khi các DN và hộ nông dân sử dụng hết hàng hóa vật tư dự trữ sản xuất hay thực hiện hết các đơn hàng đã ký kết. Vì vậy, việc phân tích đánh giá chính xác toàn bộ các yếu tố đầu vào, đầu ra của nền kinh tế và của từng nhà sản xuất là đặc biệt cần thiết và quan trọng.
Thứ ba, mặc dù ở Việt Nam mới có hơn một chục ca dương tính với nCoV nhưng nguồn lực và chi phí để phòng, chống dịch không thể tách rời cân đối tổng thể phân bổ nguồn nhân tài vật lực của quốc gia năm 2020, thậm chí, cân đối theo dự toán NSNN năm 2020 cũng cần được xem xét điều chỉnh cho phù hợp, cả phần chi NSNN cũng như phần thu NSNN, nhất là khi diễn biến dịch nCoV trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng vẫn rất phức tạp và khó lường.
Thứ tư, nội dung cơ bản của mỗi kịch bản phát triển kinh tế - xã hội ứng phó với nCoV không phải là GDP tăng trưởng bao nhiêu hay lạm phát thế nào hay kim ngạch xuất nhập khẩu tăng giảm ra sao mà là hệ thống các chính sách để giảm thiểu thiệt hại do nCoV gây ra, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân. Đến lượt mình, các chính sách đó cần đảm bảo cả 3 chữ hiệu, gồm: hiệu quả, hiệu lực và hiệu ứng. Tính nhất quán, đồng bộ cần được xuyên suốt từ chính sách tín dụng, tiền tệ, tài khóa, tỷ giá hối đoái, đến thương mại, đầu tư...
Tóm lại, nCoV chính là thử thách đối với khả năng quản trị quốc gia của chúng ta, cả quản trị kinh tế tài chính lẫn văn hóa và xã hội.
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế